"Quái vật hai đầu"
Địa chính trị sôi sục, xung đột, đại dịch toàn cầu là những biến động lớn mà tất cả doanh nghiệp đã chứng kiến trong giai đoạn 2020-2022. Giờ đây, khi đã bước vào những ngày đầu của năm 2023, một "kẻ thù" khác chuẩn bị xuất hiện: con quái vật hai đầu “lạm phát” và “kinh tế trì trệ”; lần cuối nó xuất hiện là vào những năm 1970.
Lạm phát tăng vọt trong năm 2022 kéo theo giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp phải thắt chặt chi phí sản xuất. Chi phí của hãng xe Ford trong trong quý III/2022 đã cao hơn tỉ USD so với dự toán, tương đương vượt quá 25% lợi nhuận hoạt động được điều chỉnh trong quý trước.
Tại khu vực đồng euro, đà tăng của giá sản xuất đã vượt quá 40% do chi phí năng lượng leo thang chóng mặt. Song, ngay cả khi chi phí tăng cao, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn lớn do các biện pháp kích thích tài khóa có phần hào phóng thời đại dịch. Điều này đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, tính theo tỉ lệ GDP, đạt mức cao kỉ lục trong năm.
Đến năm 2023, nhiệm vụ cho các nhà quản lí là bảo vệ tỉ suất lợi nhuận cao khỏi hai nguồn áp lực: Chi phí tăng và lợi nhuận bị siết chặt.
Mặc dù giá năng lượng có thể ngừng leo thang, nhưng vẫn sẽ ở mức cao giống tiền lương và các chi phí khác. Các công ty sẽ phải đổ tiền nhiều hơn cho hàng tồn kho và các khoản phải thu chỉ để duy trì mức sản xuất ổn định, kéo theo vấn đề cho chi tiêu vốn.
Sự siết chặt lợi nhuận bắt nguồn từ nhu cầu bị chững. Dù các nước châu Âu đang cố giảm tác động từ cú sốc năng lượng, nhưng người tiêu dùng sẽ chi ít hơn.
Ở Mỹ, lãi suất tăng sẽ bắt đầu gây thiệt hại cho nền kinh tế. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi theo khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte, 39% số giám đốc tài chính được hỏi ý kiến đã dự đoán nước Mỹ trong năm 2023 sẽ rơi vào thời kì lạm phát đình trệ và 46% các CFO cho rằng sẽ có suy thoái kinh tế.
Chiến lược đối phó
Nhiều chiến lược đã được đưa ra để đối phó với lạm phát đình trệ. Một trong số các chiến lược là tìm cách “đá” chi phí tăng sang cho khách hàng.
Chẳng hạn, năm 2022, lần đầu tiên sau 14 năm ở thị trường Anh, McDonald’s đã tăng giá bánh mì kẹp phô mai. Chiến lược này của chuỗi thức ăn nhanh có nguy cơ làm khách hàng phản ứng tiêu cực với việc tăng giá, khiến công ty bị giảm thị phần và doanh thu. Song, những công ty có vị thế vững sẽ chính là những công ty có quyền định giá. Lí do bởi những công ty này bán những sản phẩm thiết yếu mà nhu cầu về chúng thường cao.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói: “Thương hiệu là thứ tuyệt vời để sở hữu trong thời kì lạm phát”. Có lẽ, ông đã áp dụng suy nghĩ này khi đầu tư vào hãng nước ngọt Coca-Cola.
Sức mạnh thương hiệu không phải doanh nghiệp nào cũng có. Trong mọi trường hợp, có những giới hạn về mức giá mà nếu vượt qua sẽ làm khách hàng quay lưng. Một số công ty sẽ dùng đến chiến lược “lạm phát co lại”, có nghĩa là giá bán vẫn giữ trong khi sản phẩm không được như trước.
Hiện tại, hóa đơn năng lượng cao hơn ở châu Âu đã bắt đầu định hình lại chuỗi cung ứng của một số công ty. BASF, gã khổng lồ về hóa chất, đang sản xuất amoniac sử dụng nhiều năng lượng hơn cho phân bón ở Mỹ và Bỉ. Nếu BASF chú tâm vào thị trường quê nhà Đức, chi phí khí đốt tự nhiên có thể làm doanh nghiệp lỗ vốn.
Những nỗ lực của doanh nghiệp để giảm chi phí sẽ liên quan đến tiền lương của người lao động. Với tình trạng thiếu lao động trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch, các ông chủ đã khuyến khích làm việc từ xa. Nhưng với chi phí tăng và nhu cầu chao đảo, kèm theo các yêu cầu tăng lương của công đoàn trong thời buổi lạm phát, nguy cơ cắt giảm nhân sự sẽ bắt đầu xuất hiện.
Cũng như những thách thức khác đã phải đối mặt trong những năm gần đây, một số công ty sẽ phát triển tốt hơn những công ty khác. Những người chiến thắng từ cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ thấy danh tiếng của mình được nâng cao.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cach-de-doanh-nghiep-vuot-qua-lam-phat-trong-nam-2023-441918.html