Thời gian qua, hàng loạt đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, có thể kể đến các công ty FIDT, KBSV, VCBS, VDSC, MBS, BVSC, PHS, TPS và VNDirect.
Phần lớn các đơn vị phân tích đồng thuận quan điểm thận trọng về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 và có quan điểm khá tích cực về TTCK trong nửa cuối năm 2023.
Cụ thể, FIDT cho rằng hiện nay đang là thời điểm hấp dẫn để đầu tư chứng khoán cho thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, VN-Index theo đó có thể đạt 1.195 điểm vào giữa năm và đạt 1.384 điểm vào cuối năm 2023. Được biết, VN-Index kết thúc năm 2022 ở mức 1.007 điểm.
Trong khi đó, VCBS dự báo VN-Index có thể về mức 900 điểm trong nửa đầu năm 2023 nếu như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau thời gian sóng gió, VN-Index vẫn có thể đạt ngưỡng 1.250 điểm trong năm nay.
Nhóm chuyên gia của VDSC thì không kỳ vọng có một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh diễn ra trong năm 2023, thay vào đó là các đợt sóng nhỏ. Đặc biệt, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chiến lược phòng thủ, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.
Còn PHS cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục giảm đến quý II/2023, sau đó sẽ phục hồi đến cuối năm. Có phần tương tự, VNDirect lưu ý đà tăng nửa đầu năm sẽ khá mong manh và dần trở nên vững chãi hơn từ giữa năm 2023.
Ngoài ra, BVSC cho rằng định giá hiện tại tương đối hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư trung và dài hạn, cũng nghĩa là không thực sự lạc quan về triển vọng ngắn hạn.
Điểm đồng thuận thứ hai giữa các đơn vị phân tích là xét ở các kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ không thủng đáy cũ từng xác nhận trong năm 2022. Trước đó, ngày 16/11/2022, VN-Index có lúc đã nhúng xuống 873 điểm rồi bật mạnh.
Trong số 9 đơn vị phân tích kể trên, xét ở các kịch bản cơ sở, chỉ có VCBS và MBS là tiêu cực nhất khi dự báo VN-Index có thể xuống mốc 900 điểm, tức là vẫn trên mức đáy của năm 2022; các đơn vị còn lại đều cho rằng VN-Index sẽ dao động trên mốc 1.000 điểm.
Nếu xét cả đến cả kịch bản tiêu cực nhất, chỉ có MBS là đưa ra kịch bản rằng VN-Index có thể giảm xuống mốc 780 điểm. Ngoài ra, TPS cũng đưa ra 1 kịch bản tiêu cực theo phân tích kỹ thuật là VN-Index có thể chạm xuống mốc 873 điểm, tức là cũng chỉ tương đương đáy cũ năm 2022.
Điểm tương đối đồng thuận thứ ba giữa các đơn vị phân tích là quan điểm kém tích cực về tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm 2023. Cụ thể, khá nhiều đơn vị cho rằng tăng trưởng EPS năm 2023 sẽ dưới 10%.
Theo đó, FIDT dự báo EPS năm 2023 tăng 2,9%; KBSV dự báo EPS tăng 8,05% ở kịch bản cơ sở và giảm 8% ở kịch bản tiêu cực; VDSC dự báo EPS của các cổ phiếu trong danh mục theo dõi của công ty chứng khoán này sẽ chỉ tăng 6%, trong trường hợp tiêu cực thậm chí có thể suy giảm dưới 5%; MBS cho rằng năm 2023, lợi nhuận doanh nghiệp có khả năng sẽ sụt giảm do áp lực chi phí đầu vào và lãi suất cao; BVSC dự tính 70 cổ phiếu mà công ty chứng khoán này theo dõi sẽ không tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay; TPS dự kiến EPS tăng 5% ở kịch bản cơ sở.
PHS và VNDirect là 2 đơn vị hiếm hoi dự báo tăng trưởng EPS năm 2023 sẽ đạt 2 con số. Theo đó, PHS dự báo EPS tăng 15% còn VNDirect dự báo tăng 14%. Ngoài ra, ở kịch bản tích cực, TPS cho rằng EPS năm 2023 có thể tăng 10-15%.
Về tiềm năng tăng giá của VN-Index, đa số các đơn vị phân tích cho rằng ở kịch bản cơ sở, mức cao nhất mà VN-Index đạt được sẽ từ 1.250 điểm trở xuống, ngoại trừ PHS, VNDirect và FIDT. Theo đó, PHS dự báo VN-Index chinh phục được đỉnh 1.535 điểm, trong khi đó, VNDirect cho rằng chỉ số này sẽ tiến vào vùng 1.300-1.350 điểm, còn FDIT thì dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.384 điểm vào cuối năm.
Link nội dung: https://biztoday.vn/gioi-phan-tich-dong-thuan-nhu-the-nao-ve-ttck-viet-nam-nam-2023-441990.html