Bộ Xây dựng sắp thanh tra nhiều điểm nóng trong kinh doanh bất động sản

Ông Chu Hồng Uy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, dư luận nổi lên các vấn đề về hoạt động kinh doanh bất động sản, nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe…

Trao đổi tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Xây dựng mới đây, theo ông Uy, trong hoạt động kinh doanh bất động sản, nhiều chủ đầu tư bán hàng không công bố thông tin, bán hàng khi chưa đủ điều kiện…

Trước thực tế trên, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, việc xây dựng hạ tầng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

quy-hoach-1672802705.jpg Nhiều ô đất quy hoạch xây dựng trường học đang bỏ hoang, có khu trường học bị quy hoạch vào những vị trí khó khả thi như trên đất nghĩa trang, ao đình…(Ảnh: Minh Hoàng)

Cũng theo ông Uy, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe…

“Năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn tập trung vào vấn đề hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương”, ông Uy thông tin.

Vị lãnh đạo cho hay,  Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.

Bên cạnh đó, thanh tra một số dự án do bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng tại 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện 20 đoàn theo kế hoạch và đột xuất. Trong đó, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 22 đơn vị thuộc Bộ, gồm thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tại Tổng công ty Sông Hồng theo Nghị quyết số 14-NQ/BCSĐ ngày 27/12/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng; Xác minh nội dung tố cáo của Trường Cao đẳng Nam Định; Thanh tra đột xuất mua sắm tài sản, trang thiết bị tại Cty CP Xi măng Hạ Long; Trường cao đẳng quốc tế Lilama 2 theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra Trung ương và Lãnh đạo Bộ, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công của Bộ Xây dựng tại 14 đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư đối với 21 dự án, với tổng mức đầu tư tổng cộng là 2.766 tỷ đồng.

Ban hành 44 kết luận thanh tra tại UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban QLDA Thăng Long Bộ GTVT và Bệnh viện Xây dựng; Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các chủ đầu tư dự án, công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; các chủ đầu tư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và UBND tỉnh trong việc dành quỹ đất để 20% để phát triển nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng.

Kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 228,5 tỷ đồng. Ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,2 tỷ đồng.

Có thể thấy việc thiếu hạ tầng như trường học, bãi đỗ xe…tại nhiều khu đô thị ở Hà Nội đang diễn ra nghịch lý, nhiều nơi để đất hoang hóa, dự án bỏ không, trong khi một số quận nội thành khan hiếm đất xây trường học Việc phụ huynh ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải bốc thăm may rủi để giành suất cho con học trường mầm non công lập khiến dư luận xôn xao.

Tại phường Hoàng Liệt, nơi phụ huynh phải bốc thăm cho con vào trường mầm non công lập, có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (mầm non 20, tiểu học 5, THCS 5, THPT 3) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng.

Một số ô quy hoạch trường học trên bản đồ khác so với cơ sở hiện trạng thực tế (quy hoạch vào ao làng, nghĩa trang, đình chùa...). Các ô quy hoạch chưa giao chủ đầu tư có công trình kiên cố, khó giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tính khả thi để đề xuất đầu tư.

Cũng có thực tế về chuyện quá tải trường lớp, thiếu trường ở một số địa bàn phát triển nhanh về các dự án nhà ở nhưng lại rất chậm trong xây dựng trường học.

Link nội dung: https://biztoday.vn/bo-xay-dung-sap-thanh-tra-nhieu-diem-nong-trong-kinh-doanh-bat-dong-san-442526.html