Việt Nam và metaverse
Theo một phân tích mới đây của Deloitte, lợi ích tiềm năng metaverse (vũ trụ ảo) mang lại cho nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 9 - 17 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 1,3 đến 2,4% tổng GDP. Trong khi đó, tác động của metaverse đến GDP tại châu Á ước tính rơi vào khoảng 0,8 đến 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, tương đương với 1,3 – 2,4% tổng GDP.
Ước tính này có thể hiện thực hóa trong dài hạn nếu có những khoản đầu tư bền vững vào công nghệ trong vòng 5 – 10 năm tới. Mức độ, tốc độ hiện thực hóa được ước tính sẽ phụ thuộc vào những chiến lược riêng biệt mà các nền kinh tế thực hiện nhằm tối ưu các lợi ích của metaverse.
Theo Deloitte, người Việt Nam có tinh thần doanh nhân, sáng tạo và còn trẻ với 37% dân số dưới độ tuổi 25. Những đặc điểm này giúp Việt Nam có lợi thế vượt trội trong việc định hình tương lai của web. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất trong không gian Web3.
Sky Mavis, một kỳ lân công nghệ đã phổ cập khái niệm “GameFi” (trò chơi blockchain cho phép người chơi tham gia chơi để kiếm tiền) với trò chơi Axie Infinity. Việt Nam cũng đứng đầu về mức độ chấp nhận tiền mã hóa năm 2021, theo Chainalysis. Đây là dấu hiệu cho thấy đồng tiền mã hóa có thể sẽ được chấp nhận rộng rãi.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý cho thời kỳ kỹ thuật số, bao gồm một loạt những đánh giá quy định về luật liên quan đến kỹ thuật số trong vòng 1-2 năm tới. Bên cạnh những quy định liên quan đến kỹ thuật số, môi trường hỗ trợ startup cũng là một yếu tố quan trọng.
Báo cáo “Metaverse tại châu Á – Những chiến lược nhằm tối ưu hóa những lợi ích kinh tế” của Deloitte chỉ ra, các lĩnh vực mà Việt Nam cần quan tâm bao gồm gaming (trò chơi điện tử) và giáo dục.
Trong đó, với tỷ lệ người dùng sử dụng điện thoại thông minh lớn, chơi trò chơi trên điện thoại di động trở thành phân khúc lớn nhất và tăng trưởng theo cấp số nhân. Với sự thành công của Sky Mavis, VNG và nền tảng người chơi tại Đông Nam Á phát triển nhanh chóng, Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế ban đầu này để thiết kế những trải nghiệm lấy người dùng làm trọng tâm, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mới nhất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại quốc gia này.
Về giáo dục, Việt Nam có thị trường đào tạo trực tuyến tăng trưởng nhanh. Với nhu cầu lao động có tay nghề trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa giáo dục trực tiếp vào 90% trường đại học và 80% trường trung học và cơ sở đào tạo nghề vào năm 2030. Ứng dụng metaverse vào giáo dục có thể giúp cải thiện hiệu quả của những chương trình đào tạo này.
Ông Đỗ Danh Thanh, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và an ninh mạng của Deloitte Việt Nam nhận định, không chỉ startup, đông đảo người dân đang ở tâm thế đón nhận những công nghệ web mới.
Ông Thanh cho rằng, việc ứng dụng metaverse sẽ hỗ trợ Việt Nam vững bước trên lộ trình đạt được chiến lược “Make in Vietnam” và các mục tiêu kinh tế số.
Thời điểm tốt để các bên tìm ra lợi thế trong metaverse
Không chỉ ở Việt Nam nhận thức của người dân châu Á về metaverse tương đối cao. Deloitte nhận định, châu Á là một tâm điểm đáng chú ý cho sự phát triển của metaverse.
Những nền tảng metaverse đầu tiên đang được hàng triệu người trong khu vực sử dụng cho các mục đích: chơi trò chơi, giao lưu, tạo ra bản sao kỹ thuật số, tham gia các buổi hòa nhạc và mua sắm.
Ví dụ, ứng dụng Zepeto của Hàn Quốc có hơn 300 triệu người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều năm nữa để tạo ra một nền tảng metaverse cập nhật những thế giới trực quan, phong phú theo thời gian thực cho hàng triệu người dùng có thể truy cập cùng lúc.
Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đang đi tiên phong trong các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đổi mới sáng tạo với công nghệ web3 và blockchain. Nhật Bản cũng đang tiếp tục thúc đẩy vị trí tiên phong trong ngành công nghiệp game với di sản của mình để tạo ra các ngành công nghiệp metaverse mới.
Về mặt pháp lý, Singapore, Hồng Kông, Ấn Độ... đang tạo ra môi trường kinh doanh và thiết lập hàng lang pháp lý rõ ràng, đảm bảo doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tương tác với metaverse một cách an toàn và bảo mật.
Mặc dù theo ước tính ban đầu, metaverse sẽ tăng trưởng đáng kể và có những đóng góp to lớn trên phạm vi toàn cầu, việc dự đoán thời gian và quy mô của những lợi ích kinh tế là một thách thức, phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế xã hội và các nhân tố hỗ trợ.
Metaverse được hình dung sẽ tạo ra những cơ hội công việc, kinh doanh và thị trường mới, đồng thời cải thiện cách thức con người làm việc, tiêu dùng và hợp tác. Nếu những cơ hội này được phát triển ở mức toàn diện, metaverse sẽ tạo ra những thay đổi đột phá cho hơn bốn tỷ người đang sinh sống, làm việc và vui chơi tại khu vực.
Ông Duleesha Kulasooriya, Giám đốc Trung tâm Center for the Edge, Deloitte Đông Nam Á cho biết, metaverse là điều tất yếu, việc phát triển hệ thống công nghệ, nguồn nhân lực và khuôn khổ pháp lý nhằm hiện thực hóa tiềm năng nghìn tỷ USD của metaverse sẽ tạo ra lợi ích của nhiều ngành công nghiệp và các hoạt động kinh tế.
Ông Duleesha cho biết thêm, tương lai thành công của metaverse sẽ cần có những hành động không chỉ từ các chính phủ, mà tất cả các tác nhân trong hệ sinh thái. Mặc dù, metaverse vẫn đang ở trong những hình thái ban đầu, hiện nay chính là thời điểm tốt để doanh nghiệp, các bên liên quan thử nghiệm, tìm ra lợi thế của họ trong metaverse và xác định những cơ hội để tối ưu hóa những lợi thế này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/can-ca-he-sinh-thai-vao-cuoc-neu-muon-metaverse-thanh-cong-442769.html