Áp lực lạm phát năm 2023 không quá lớn nhưng vẫn cần thận trọng

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhờ chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022 cùng với nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2023 đã khiến áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, vượt qua thách thức và khó khăn, năm 2022, kinh tế Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép: GDP ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao. Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng được coi là đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới trong năm qua.

Phân tích về xu hướng lạm phát thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỉ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

Vị chuyên gia này cho rằng, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% hoặc thấp hơn vẫn khả thi.

lam-phat-1672906301.jpg Áp lực lạm phát năm 2023 không quá lớn nhưng vẫn cần thận trọng. (Ảnh minh họa)

Lạc quan về triển vọng kiểm soát lạm phát, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, năm 2023 có những thuận lợi trên đà phục hồi kinh tế 2022 tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa…

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát như giá cả thế giới vẫn còn biến động khó lường, logistics vẫn tiếp tục khó khăn, áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến các nền kinh tế tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam và gây sức ép lạm phát trong nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%, cùng các mục tiêu khác, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt và nhậy bén trong điều hành. Cụ thể, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các tồn đọng... 

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.

Đồng thời, thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.

Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Ngoài ra, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
 

Link nội dung: https://biztoday.vn/ap-luc-lam-phat-nam-2023-khong-qua-lon-nhung-van-can-than-trong-443625.html