Mới đây, 35,8 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, tương ứng mức định giá chưa đến 350 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều mức định giá 1 tỷ USD để một doanh nghiệp được xem là "kỳ lân" - điều mà VNG từng đạt được vào năm 2014 theo đánh giá của World Start-up Report. Thậm chí, đến năm 2019, VNG còn được Quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao “ngất ngưởng” khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Định giá “hụt dần”, kinh doanh kém khả quan
Dù vậy, con số 350 triệu USD vẫn đủ đưa doanh nghiệp này lọt top 2 về vốn hóa trong nhóm công nghệ trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn FPT (FPT). Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế, trên sàn chứng khoán Việt không có nhiều cổ phiếu công nghệ nổi bật. Ngoài “ông lớn” FPT (~3,7 tỷ USD vốn hóa) chỉ có CMC Group (CMG) là cái tên đáng chú ý với giá trị vốn hóa hơn 260 triệu USD. Còn lại, những doanh nghiệp khác như ELCOM (ELC), CTIN (ICT), VMG (ABC),... đều có quy mô rất nhỏ.
Không chỉ vậy, dù “thế chân” VCF của Vinacafe Biên Hoà trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất ngay lúc chào sàn, nhưng mức giá chào sàn hiện tại của VNG cũng thấp hơn mức mà công ty này từng chào bán cổ phần cho đối tác. Đầu năm 2015, VNG phát hành gần 300.000 cổ phần cho một cổ đông chiến lược với giá hơn 666.000 đồng/cổ phần.
Được biết, CTCP VNG (trước đây là Vinagame) thành lập từ năm 2004. Hiện, VNG là công ty Internet và công nghệ hàng đầu Việt Nam, chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo...
Đáng chú ý, trong khi giá cổ phiếu chào sàn cao “chót vót” thì ngược lại, kết quả kinh doanh của công ty không mấy khả quan.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế hơn 254 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 32 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức doanh thu 5.724 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 196 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 430 tỷ đồng.
Đặc biệt, VNG vẫn gánh lỗ từ các đơn vị liên kết và công ty sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Cụ thể, phần lỗ trong công ty liên kết đã tăng lên hơn 82 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 so với chỉ gần 19 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Khó kỳ vọng “sóng” cổ phiếu công nghệ trong ngắn hạn
Nhìn chung, thương vụ lên sàn chứng khoán của VNG được đánh giá là một tín hiệu tốt đối với thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu công nghệ nói riêng khi có thêm hàng hóa chất lượng để nhà đầu tư lựa chọn, nhất là cho các tín đồ công nghệ, cho các nhà đầu tư đam mê sở hữu cổ phiếu công nghệ.
Thông thường trên TTCK, một “tân binh” lên sàn có quy mô lớn sẽ mang tới kỳ vọng cho một hiệu ứng tích cực lên các cổ phiếu khác cùng nhóm ngành do hoạt động định giá lại của nhà đầu tư. Dù vậy, với đặc thù nhóm công nghệ và trong bối cảnh thị trường hiện tại, thương vụ lên sàn của VNG khó có thể tạo ra một "con sóng" ngành thực sự.
Nhìn chung, mức định giá cổ phiếu công nghệ của các doanh nghiệp đầu ngành khá đắt, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường nhờ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đột biến và một phần đến từ sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Song, cũng vì vậy, đây chính là “rào cản” khiến nhóm cổ phiếu công nghệ khó có thể bứt phá.
Chẳng hạn, FPT đang giao dịch với P/E vào khoảng 17 lần trong khi CMG có P/E lên đến gần 22 lần. Những con số này đều cao hơn nhiều so với mức P/E khoảng 11 lần của VN-Index. Trong đó, chỉ có FPT thường xuyên kín room ngoại, với mức tăng trưởng ổn định nhưng không quá vượt trội khoảng 20-30% mỗi năm, khó có thể kỳ vọng thị trường chấp nhận mức định giá cao như hiện tại.
Mặt khác, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao và vẫn có thể tiếp tục xu hướng tăng, định giá cổ phiếu sẽ đắt lên một cách tương đối so với kênh đầu tư thay thế phổ biến là gửi tiết kiệm ngân hàng. Điều này khiến các cổ phiếu công nghệ sẽ càng trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ đều có nợ ròng không cao, do đó ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng lãi suất đến lợi nhuận là không quá rõ rệt.
Ngoài ra, khó có thể kỳ vọng vào một sự đột phá lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ do rào cản về nhân lực và tốc độ tăng trưởng của nhu cầu, trong khi rủi ro suy thoái và lạm phát vẫn đang hiện hữu trên toàn cầu có thể khiến chi tiêu cho công nghệ thấp hơn dự kiến.
Thực tế, việc VNG lên sàn mang nhiều kỳ vọng lớn, song với kết quả kinh doanh nêu trên có lẽ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc, chưa kể mức giá chào sàn quá “đắt đỏ”. Và nếu nhìn vào giao dịch của cổ phiếu VCF vừa bị VNZ soán ngôi thị giá cao nhất lúc chào sàn có thể thấy, với mức giá 223.000 đồng/cp, gần như rất hiếm khi có cổ phiếu VCF giao dịch trên sàn, liên tục chốt phiên ở giá tham chiếu.
Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tuy khó có thể kỳ vọng vào một sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ trong ngắn hạn nhưng triển vọng tăng trưởng dài hạn của nhóm ngành này vẫn “sáng”.
Theo dự phóng của Gartner, tăng trưởng chi tiêu công nghệ thế giới năm 2023 có thể tăng 5,1% so với cùng kỳ với động lực tiếp tục đến từ mảng phần mềm (+11,3%) và mảng thiết bị IT (+7,9%).
Chứng khoán KB (KBSV) đánh giá, mảng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng dựa trên: Tính hiệu quả của chuyển đổi số cùng sự xuất hiện liên tục của các nền tảng, ứng dụng mới khiến chi tiêu công nghệ trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và thiếu hụt lao động ngành công nghệ thông tin trên thế giới trong khi chi phí lao động của Việt Nam là tương đối thấp so với các nước xuất khẩu phần mềm mạnh khác.
Ngoài ra, Mirae Asset cho rằng, ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin kỳ vọng vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong năm 2023 nhờ các yếu tố: Các doanh nghiệp/tổ chức ngày càng chú trọng vào việc tối ưu hiệu quả hoạt động, ưu tiên chiến lược chuyển đổi số. Theo dự phóng của International Data Corporation (IDC), chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu dự kiến tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2021-2026 đạt 16,3%.
Cùng với đó, xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang các nước duy trì đà tăng trưởng tốt với lợi thế về nguồn lực lao động và vị thế gia công phần mềm của Việt Nam trên thế giới ngày càng được củng cố.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thay-gi-tu-thuong-vu-len-san-cua-ky-lan-vng-444314.html