Dị biệt là từ khóa các chuyên gia nói về thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2022. Trong năm nay, giá xăng dầu đã trải qua 34 đợt điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Dưới sự tác động của xung đột Nga – Ukraine và sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất đã đẩy giá xăng cao kỷ lục với gần 33.000 đồng/lít vào ngày 21/6, giá xăng dầu cao ngất ngưởng khiến cả người dân và doanh nghiệp rơi vào hoảng loạn.
Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu diesel, dầu hỏa vượt giá xăng và hiện tượng này kéo dài cho đến cuối năm 2022 và chưa có dấu hiệu “lật ngược tình thế”. Sự bất thường của thị trường xăng dầu khiến cơ quan quản lý hai lần phải can thiệp bằng cách giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thêm thuế nhập khẩu… để bình ổn thị trường.
Tại hội nghị tổng kết năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Petrolimex cũng cho rằng thị trường xăng dầu giai đoạn 2020-2022 diễn biến rất dị biệt, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ.
Giá dầu có lúc âm, có lúc vượt lên 150 USD/thùng. Điều này gây áp lực cho các doanh nghiệp trong hệ thống. Trong khi đó, nhiều chính sách nhà nước không theo kịp diễn biến của thị trường xăng dầu dẫn đến tình trạng không phản ánh đủ giá vốn. Xăng dầu cứ nhập về đến cảng là đã lỗ.
Tình trạng giá bán thấp hơn giá vốn đã khiến các doanh nghiệp đầu mối cung cấp nhỏ giọt, cửa hàng bán lẻ nghỉ bán, treo biển “hết xăng dầu” vì chiết khấu bằng 0. Thị trường xăng dầu hỗn loạn trong suốt tháng 10, 11, người dân phải xếp hàng từ sáng sớm đến đêm muộn để mua xăng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương giải thị trường xăng dầu trong nước chịu sự ảnh hưởng của sự đứt gãy nguồn cung thế giới, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá điều chỉnh trong biên độ lớn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận với vốn, bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, rủi ro cao cho các doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ tại một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía doanh nghiệp và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí phát sinh trong cơ cấu giá xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp vốn cho các doanh nghiệp, thị trường xăng dầu trong nước trong tháng 12 đã lắng dịu và không còn tình trạng thiếu xăng dầu.
Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, cơ bản các công ty đều về đích hoặc vượt kế hoạch đề ra năm nay.
Chủ tịch Petrolimex cho biết năm 2022 tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn ước đạt hơn 13,5 triệu m3, hoàn thành 112% kế hoạch năm, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng bán nội địa đạt hơn 10,2 triệu m3, tăng 21% so với năm 2021. Doanh thu hợp nhất ước đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỷ đồng.
Còn về phía Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), năm 2022 công ty cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu m3 xăng dầu, tăng 27% so với năm 2021. Doanh thu hợp nhất lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 763 tỷ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch năm, mặc dù đã chịu tổn thất không nhỏ trong giai đoạn quý III khi giá dầu giảm sâu và nguồn cung khan hiếm trong khi PVOIL vẫn phải đảm bảo bán hàng liên tục, ổn định.
Tình trạng treo biển “hết xăng dầu” đã lắng xuống sau khi Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn lo ngại về nguy cơ rối loạn thị trường xăng dầu, đặc biệt khi nhà máy Nghi Sơn vừa gặp sự cố kỹ thuật, lọc dầu Bình Sơn có kế hoạch bảo dưỡng vào tháng 4-5.
Cụ thể, ngày 31/12, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết gặp sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt thấp tài sinh của phân xưởng RFCC và ngừng tạm thời phân xưởng để khắc phục, dự kiến sẽ hoàn thành vào sau ngày 10/1/2023.
Phân xưởng chế biến dầu thô và các phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa này. Do đó, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 sẽ bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch. Dự kiến tháng 1/2023, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000 m3 xăng đầu.
Trao đổi với người viết, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết mấy ngày gần đây, việc nhập xăng dầu từ các đầu mối rất khó khăn, hệ thống cửa hàng xăng dầu của ông phải san sẻ nguồn hàng mới đủ cung cấp cho người dân.
Ông Tây cho rằng nếu sự cố ở nhà máy Nghi Sơn kéo dài trong khi nguồn xăng dầu nhập khẩu chưa kịp về thì tình trạng thiếu xăng dầu trong năm 2023 có thể sẽ lặp lại. Đặc biệt trong bối cảnh, chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn ở mức thấp, nếu mức chiết khấu 150-200 đồng/lít xăng dầu sẽ không đủ chi trả chi phí công nhân, điện nước…
Theo vị này, mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ phải ở mức 800 đồng/lít xăng dầu mới đủ cho doanh nghiệp trang trải chi phí và duy trì hoạt động. Ngoài ra, ông Tây cũng cho rằng cần xem xét lại quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các dịp lễ, để tránh tạo ra độ trễ với thị trường xăng dầu thế giới, gây ra bất ổn thị trường như đầu năm 2022.
"Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ dịp Tết Nguyên đán thì các bộ ngành cần phân công người trực điều hành giá để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh được bình thường", ông Tây nói.
Liên quan đến hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, trao đổi với viết, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết bất cứ một sự cố kỹ thuật đột xuất nào ở các nhà máy lọc dầu sẽ ít nhiều ảnh hưởng thị trường trường xăng dầu.
“Như thông báo, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 sẽ bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến những đơn hàng của doanh nghiệp đầu mối, thị trường sẽ khan hàng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các đơn hàng xăng dầu nhập khẩu đang về đúng tiến độ, bù đắp cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ngoài ra, nhà máy cũng đang gấp rút sửa chữa và hoạt động trở lại sớm nhất có thể”, ông Bùi Ngọc Bảo nói.
Còn về hoạt động bảo dưỡng nhà máy của lọc dầu Bình Sơn, doanh nghiệp này đã có kế hoạch và thông tin đến Bộ Công Thương từ năm 2022, Bộ đã giao các doanh nghiệp đầu mối tìm kiếm thị trường và tăng nhập khẩu xăng dầu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt có thể từ sự cố nói trên.
"Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 và đến hết quý I/2023. Ngoài ra, thực hiện đúng tiến độ tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ phân giao năm 2023", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động mạnh, phản ứng chính sách chưa kịp thời đã khiến rối loạn thị trường thời gian qua. Do vậy, Bộ vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, trong đó quy định về chiết khấu, thời gian điều chỉnh... đã có thay đổi đáng kể.
Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến về việc không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.
Còn về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ kiến nghị giữ quỹ BOG nhưng sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ quỹ cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.
Một đề xuất khác được Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo là rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).
Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ban ngành và địa phương, tuy nhiên những thay đổi trong chính sách kinh doanh xăng dầu được doanh nghiệp và người dân kỳ vọng sẽ giúp ổn định thị trường, hài hòa lợi ích các bên.
Link nội dung: https://biztoday.vn/lo-ngai-bat-on-thi-truong-xang-dau-co-the-tai-dien-trong-nam-2023-445272.html