HSBC: Mỏ neo cho tăng trưởng Việt Nam giữa rủi ro bủa vây

Chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ở ASEAN đối với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có thể giúp Việt Nam vượt qua bối cảnh nhiều rủi ro.

Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, bất chấp một vài lợi thế trong nghịch cảnh, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng 2023 của Việt Nam chính là những khó khăn trong thương mại.

Đó là lý do khiến GDP quý IV vừa qua mang đến một bất ngờ nhỏ, với sản lượng sản xuất chỉ tăng có 3% so với cùng kỳ năm trước.

Thật vậy, tình hình sản xuất có phần ảm đạm của Việt Nam là hình ảnh phản chiếu của lĩnh vực bên ngoài đang yếu đi, bởi Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu dao động của các nước phương Tây.

Dữ liệu cho thấy xuất khẩu sụt giảm 14,0% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, và sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ.

Điều này có thể được hiểu là Việt Nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” bị ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang “hạ nhiệt”, với bản chất hoạt động sản xuất hàng điện tử đòi hỏi nhập khẩu nhiều.

Trong khi thặng dư thương mại cải thiện trong quý cuối năm 2022, lợi thế về cán cân thương mại nói chung của Việt Nam lại một lần nữa thu hẹp, do tình hình xuất khẩu chậm lại, và nhập khẩu năng lượng tăng cao trong nửa đầu năm 2022.

Điều đó dẫn đến mức thặng dư thương mại thấp, chỉ đạt 4,1 tỷ USD (tương đương 1% GDP) trong năm 2022. Mức thặng dư này nhiều khả năng sẽ không bù đắp được cho thâm hụt trong thu nhập chính và dịch vụ.

Vì vậy, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến thâm hụt nhẹ tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp, khả năng rơi vào khoảng 1,4% GDP, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi VND.

Thật vậy, VND đã chịu áp lực giảm giá lớn trước đồng USD mạnh, khiến tài khoản vãng lai suy yếu, và làm suy giảm lợi thế về chênh lệch lợi suất. Để bảo vệ đồng nội tệ, các nhà chức trách đã bán bớt ngoại tệ dự trữ, khiến dự trữ ngoại tệ đã giảm mạnh 20% tính tới quý III/2022 so với thời điểm đạt đỉnh vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD gần đây cùng với thanh khoản USD được cải thiện đã giúp VND bớt áp lực hơn một chút.

“Mặc dù vậy, việc tăng giá đồng VND nhiều khả năng sẽ là một quá trình từ từ từng bước một”, bà Yun Liu đánh giá.

Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia của HSBC đánh giá FDI vững vàng tiếp tục là mỏ neo vững chãi cho thương mại của Việt Nam, mặc dù triển vọng ngắn hạ vẫn còn thách thức.

Trong khi FDI mới giảm 18% trong năm 2022, chỉ số này chỉ giảm nhẹ 1% trong lĩnh vực sản xuất. Một nguyên nhân là những gã khổng lồ ngành công nghệ truyền thống như Samsung và LG đã công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng, với mức đầu tư trị giá 2 tỷ USD từ Samsung và 4 tỷ USD từ LG, nhằm củng cố chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều thông tin cho thấy Apple sẽ bắt đầu sản xuất máy tính MacBook ở Việt Nam từ giữa năm 2023. Quyết định này không hẳn gây ngạc nhiên, vì nhà cung cấp Foxconn của Apple đã thuê hơn 50ha đất ở Bắc Giang vào tháng 8 năm ngoái, dự kiến để làm dự án mới có tổng đầu tư trị giá 300 triệu USD.

“Tất cả những diễn biến này đều cho thấy một điều: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ở ASEAN đối với nhà đầu tư nước ngoài”, bà Yun Liu nhấn mạnh. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/hsbc-mo-neo-cho-tang-truong-viet-nam-giua-rui-ro-bua-vay-445764.html