Nhiều người dân lại quan tâm đến việc tiêm vắc xin, nhưng họ cũng lo ngại liệu vắc xin hiện tại có hiệu quả với biến thể XBB?
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một trong những nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Cục thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Các biến thể phụ vẫn có thể xuất hiện và có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc.
"Biến thể XBB, sau đó là XBB.1.5… của Omicron đã được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10-2022 và đến nay đã lây lan ở nhiều quốc gia. Việt Nam đã theo dõi, chủ động giám sát và đã ghi nhận biến thể này ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đã được "dự đoán" và chúng ta vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch COVID-19", đại diện Cục Y tế dự phòng nhận định.
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, bà Angela Pratt - trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - cho hay kể từ tháng 6-2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu.
Từ biến thể Omicron đã xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB - là biến thể tái tổ hợp được kết hợp từ hai biến thể phụ khác của Omicron.
"COVID-19 vẫn đang lưu hành, những khu vực có xuất hiện COVID-19 vẫn có nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm.
Dựa trên những nghiên cứu hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác nhưng chưa có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra", bà Angela Pratt cho hay.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết đến nay mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể XBB.
"Các nghiên cứu đang đánh giá khả năng vượt qua "lá chắn" bảo vệ do các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện được cung cấp. Chưa có bằng chứng về mức độ nghiêm trọng do biến thể XBB gây ra.
Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực, bao gồm cả các vắc xin phòng COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới phê chuẩn.
Những loại vắc xin phòng COVID-19 này đã chống chọi tốt với các biến thể mới và vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19", bà Angela Pratt khẳng định.
Bà Angela Pratt cũng đánh giá từ năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mà chúng ta gọi là giai đoạn "quản lý bền vững" dịch COVID-19.
Mặc dù COVID-19 vẫn đang lưu hành ở Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải do các ca mắc COVID-19.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, hiện vắc xin COVID-19 vẫn được đánh giá là biện pháp phòng bệnh, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong.
Vì vậy, tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch đặc biệt quan trọng đối với các nhóm có nguy cơ cao bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch cần thực hiện như đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên.
Đặc biệt, tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vac-xin-phong-covid-19-co-hieu-qua-voi-bien-the-xbb-446297.html