Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/1), khi nhà đầu tư tin tưởng rằng số liệu lạm phát vào ngày thứ Năm sẽ cho thấy giá cả tăng với tốc độ chậm lại - đồng nghĩa các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm 2022 đã phát huy tác dụng như mong muốn. Giá dầu thô cũng tăng mạnh nhờ niềm lạc quan mới về triển vọng kinh tế toàn cầu, mặc cho lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng chóng mặt.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 268,91 điểm, tương đương 0,8%, đạt 33.973,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,28%, đạt 3.969,61 điểm. Chỉ số Nasdaq có phiên tăng thứ tư liên tiếp, với mức tăng 1,76%, đạt 10.931,67 điểm.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI lõi của tháng 12 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống khi nhà đầu tư sẵn sàng để đón nhận báo cáo CPI.
“Câu chuyện của cả ngày hôm nay là chuẩn bị để đón báo cáo CPI. Nhà đầu tư ai cũng muốn sẵn sàng nhất có thể cho những biến động thị trường có thể xảy ra sau báo cáo ngày mai”, Giám đốc đầu tư Daniel Eye của Fort Pitt Capital Group nhận định.
Phiên này đánh dấu chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp đầu tiên của Nasdaq kể từ tháng 9. Chỉ số tăng liên tục khi nhà đầu tư gom mua những cổ phiếu công nghệ đã giảm giá sâu trước đó, với niềm tin rằng những cổ phiếu này sẽ khởi sắc nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giãn tiến độ của chiến dịch tăng lãi suất. S&P 500, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, đã tăng 3,8% từ đầu năm đến nay, sau khi giảm mạnh trong năm ngoái.
“Khi chúng ta tiến gần hơn đến chỗ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của Fed, cổ phiếu công nghệ sẽ sáng lên. Năm ngoái, cổ phiếu công nghệ đã bị bán tháo, nên bây giờ, nhà đầu tư muốn tranh thủ mức giá rẻ để mua vào”, Chủ tịch Gina Bolvin của Bolvin Wealth Management Group phát biểu với hãng tin CNBC.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, bất động sản và tiêu dùng không thiết yếu là những nhóm tăng mạnh nhất phiên này. Trong khi đó, Microsoft, Amazon và các cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn khác là những cái tên kéo chỉ số đi lên nhiều nhất.
“Nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed đang tiến gần hơn bao giờ hết đến chỗ tạm ngừng tăng lãi suất”, CEO Jake Dollarhide của Longbow Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.
Thị trường tiền tệ đang phản ánh khả năng 75% Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào ngày 31/1-1/2.
Tuần này sẽ là tuần khởi đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022, bắt đầu bằng loạt báo cáo tài chính từ các ngân hàng lớn của Mỹ vào ngày thứ Sáu. Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các ngân hàng đã giảm xuống do nguy cơ suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Cũng trong phiên ngày thứ Tư, chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu đóng cửa với mức tăng 0,38%. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 1,04%. Chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi tăng 0,28%.
Giá dầu thô Brent giao sau ở London tăng 2,46 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, đạt 82,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York tăng 2,33 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, đạt 77,45 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh và đạt mức cao nhất kể từ hôm 30/12 nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu tốt lên, cộng thêm mối lo về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt áp lên dầu thô Nga. Dù vậy, mức tăng của giá dầu ít nhiều bị hạn chế bởi số liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng mạnh.
Tính đến phiên này, giá dầu WTI đã tăng 5 phiên liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022, và giá dầu Brent đã tăng 3 phiên liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022.
Tương tự giá cổ phiếu, giá dầu hưởng lợi từ niềm tin rằng Fed sắp đến lúc tạm dừng việc tăng lãi suất. Nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa cũng lạc quan khi tỷ giá đồng USD bị ghìm ở mức thấp nhất 7 tuần do kỳ vọng lạm phát ở Mỹ tiếp tục giảm xuống. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tiếp tục là nhân tố hỗ trợ giá dầu.
“Kinh tế Trung Quốc có thể bật tăng mạnh mẽ, nhất là nếu được hậu thuẫn bởi các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khoá. Các ngân hàng trung ương có thể sớm nhận thấy rằng họ có dư địa để cắt giảm lãi suất nếu lạm phát giảm nhanh và nền kinh tế suy thoái”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định.
Trong khi đó, báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 19 triệu thùng trong tuần trước, mức tăng lớn thứ ba trong lịch sử và là mức tăng lớn nhất kể từ cú tăng kỷ lục 21,6 triệu thùng vào tháng 2/2021. Việc tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh được cho là do các nhà máy lọc dầu của nước này chậm chạp trong việc khôi phục sản xuất sau một đợt lạnh sâu khiến họ phải tạm dừng hoạt động vào cuối năm ngoái.
Để đáp trả Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, phương Tây đã áp trần giá lên dầu thô Nga từ ngày 5/12. Biện pháp hạn chế sẽ được áp lên các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga từ tháng 2. Cùng với đó, Liên minh châu Âu (EU) đang nghiên cứu để vạch ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Những động thái này dẫn tới lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga.
Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp chính phủ được phát trực tiếp trên truyền hình, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng các nhà sản xuất dầu Nga chưa gặp khó khăn gì trong việc ký kết các thoả thuận xuất khẩu dầu, bất chấp sự trừng phạt và trần giá mà phương Tây áp đặt.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-tang-diem-manh-truoc-bao-cao-lam-phat-my-gia-dau-nhay-3-446806.html