Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Lạm phát của Mỹ tháng 12/2022 tiếp tục giảm tốc, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp kể từ mức đỉnh vào giữa năm 2022.

Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021, hạ nhiệt từ mức 7,1% trong tháng 11 và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 9,1% vào tháng 6/2022.

Trong khi đó, CPI cốt lõi - loại trừ giá năng lượng dễ bay hơi và thực phẩm - tăng 5,7%, giảm từ mức tăng 6% hồi tháng 11. Theo Wall Street Journal, các số liệu này có khả năng giúp Fed đi đúng hướng trong việc tăng lãi suất cơ bản chậm lại, xuống mức 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp kết thúc vào ngày 1/2.

"Báo cáo CPI tháng 12 là một tin tốt đáng hoan nghênh sau một đợt lạm phát rất tồi tệ", Bill Adams, Nhà kinh tế trưởng tại Comerica Bank, đánh giá. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ năm (12/1). Các nhà đầu tư tăng mua trái phiếu kho bạc Mỹ khiến giá tăng và lợi suất giảm.

Diễn biến CPI (đen) và CPI cốt lõi (xanh) của Mỹ. Đồ họa: Bloomberg

Diễn biến CPI (đen) và CPI cốt lõi (xanh) của Mỹ. Đồ họa: Bloomberg

Lạm phát tại Mỹ giảm sau một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế nước này chậm lại vào cuối năm 2022. Xuất nhập khẩu tháng 11 giảm so với tháng 10. Cùng với đó, doanh số bán lẻ, sản lượng sản xuất và doanh số bán nhà đều giảm. Tăng trưởng việc làm và tiền lương tháng 12 chậm lại, dù thị trường lao động vẫn thắt chặt với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức thấp lịch sử đến đầu năm nay.

So với tháng 11, CPI tháng 12 giảm 0,1% do giá năng lượng giảm mạnh. Tăng giá thực phẩm cũng chậm lại. CPI cốt lõi tăng 0,3% trong tháng 12, so với mức tăng 0,2% của tháng 11, nhưng giảm so với mức 0,6% trong tháng 8 và 9.

Giá hàng hóa - yếu tố chính gây ra lạm phát trong hơn một năm rưỡi qua - đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 12, nhờ giá các sản phẩm như ôtô, máy tính và đồ thể thao giảm. Chuỗi cung ứng cải thiện và nhu cầu giảm giúp giải tỏa bớt áp lực giá đối với hàng hóa. Tuy nhiên, giá dịch vụ tiếp tục tăng, một phần do tiền lương tăng trong thị trường lao động eo hẹp.

Một số nhà kinh tế lo rằng mức tăng lương cao có thể khiến người tiêu dùng vẫn vung tiền chi tiêu và các công ty háo hức tăng giá để bù đắp, khiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Fed. "Kiểm soát lạm phát dịch vụ sẽ là thách thức lớn nhất của Fed năm nay", Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại Oxford Economics, nhận định.

Theo Andrew Patterson, nhà kinh tế cấp cao của Vanguard, có thể còn quá sớm để vui mừng về những dấu hiệu hạ nhiệt ban đầu của lạm phát vì lạm phát dịch vụ có thể khiến áp lực giá tăng cao.

"Tăng trưởng tiền lương liên tục có thể khiến lạm phát dịch vụ tiếp tục tăng cao vào năm 2023. Tiền lương chậm lại gần đây được hoan nghênh, nhưng chưa cho thấy thị trường lao động đang chậm lại trên diện rộng", ông nói.

Huw Roberts, Trưởng bộ phận phân tích tại Quant Insight, cho biết các nhà đầu tư sẽ theo dõi bình luận của các lãnh đạo Fed trong cuối tuần này. Đồng thời, họ cần thêm các dữ liệu kinh tế khác trong những tuần tới, chẳng hạn như chỉ số chi phí việc làm để hiểu rõ hơn về sức khỏe của nền kinh tế.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/lam-phat-my-tiep-tuc-ha-nhiet-447396.html