Đừng để bất động sản du lịch “trùm mền” - Bài 1: Từ kỳ vọng đến… thất vọng

Khi khởi công xây dựng các dự án bất động sản phục vụ du lịch, từ lãnh đạo các địa phương cho tới các chủ đầu tư, và chắc chắn không ít người dân, đều kỳ vọng dự án sẽ trở thành động lực phát triển cho địa phương, giúp tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách. Thế nhưng, sự thật đang ở chiều hướng ngược lại!

LTS: Hàng loạt dự án bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt dọc bờ biển miền Trung, bị “trùm mền”, xuống cấp đang kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết là lãng phí tài nguyên đất và khối của cải đã được đầu tư; tiếp theo là hàng loạt công ty xây dựng không có hợp đồng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó khăn, công nhân ngành xây dựng thiếu việc làm… Giải pháp gì để vực dậy, khai thác hiệu quả những bất động sản này là câu hỏi lớn đang đặt ra.

Khi khởi công xây dựng các dự án bất động sản phục vụ du lịch, từ lãnh đạo các địa phương cho tới các chủ đầu tư, và chắc chắn không ít người dân, đều kỳ vọng dự án sẽ trở thành động lực phát triển cho địa phương, giúp tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách. Thế nhưng, sự thật đang ở chiều hướng ngược lại!

Khởi công rồi… đứng yên

Nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 15km, bãi biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được mệnh danh là “thiên đường du lịch biển” và đang được quy hoạch là 1 trong 9 khu du lịch quốc gia vùng duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn 2020-2030. Tại đây có 6 dự án bất động sản du lịch đã được khởi công rầm rộ, nhưng nay… bất động. Trong đó, dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê đang trong tình trạng hoang tàn.

Đứng ngoài dự án nhìn vào, bà Phạm Thị Th. (người dân xã Tịnh Khê) chua chát nói: “Khi dự án khởi công, cả làng ai cũng kỳ vọng dự án sẽ giúp phát triển du lịch, kinh tế, con em có việc làm. Nhưng đến nay cả khu du lịch như “nghĩa địa”, cỏ dại và cây mọc rậm như rừng”. Khu du lịch Mỹ Khê có diện tích 23,5ha, tổng vốn đầu tư được công bố 824 tỷ đồng; chủ đầu tư ban đầu là Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam hứa hẹn xây 85 căn biệt thự và các khu nhà vui chơi, giải trí, nhà hàng… Dự án được khởi công vào tháng 3-2010, nhưng đến tháng 10-2012 thì dừng vì chủ đầu tư “đứt vốn”, chuyển nhượng lại cho Công ty CP Biệt thự nghỉ dưỡng Mỹ Khê. Đến nay, dự án vẫn ngổn ngang gò đống!

khu-du-lich-bien-my-khe-1673584155.jpg Một góc Khu du lịch biển Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bỏ hoang phế, đổ nát. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Ngược ra eo biển Khe Hai (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), cái tên “Thiên Đàng” (Khu du lịch Thiên Đàng, do Công ty TNHH Thiên Đàng làm chủ đầu tư) đang khiến người dân, cán bộ địa phương rất bức xúc. Năm 2005, dự án Khu du lịch Thiên Đàng khiến cả vùng biển này “dậy sóng” bởi quy mô đến 286ha (2 giai đoạn), tổng vốn từ 200 tỷ đồng, sau đó nâng lên 1.800 tỷ đồng. Năm 2009, dự án hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 32,4ha thì “hụt hơi”, bỏ hoang đến nay. Hiện, quang cảnh khu du lịch này chẳng khác nào khu tập kết xà bần, các hạng mục đổ nát, xuống cấp.

Tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), PV Báo SGGP ghi nhận có 2 dự án lớn đang bỏ hoang giữa khu đất “đắc địa” của thành phố biển này, gồm: dự án Khu du lịch đồi Ghềnh Ráng (186ha); dự án Khu đô thị du lịch, văn hóa, thể thao hồ Phú Hòa (gọi tắt Khu đô thị hồ Phú Hòa, với tổng diện tích 370ha). Trong đó, dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa được phê duyệt từ tháng 7-2015 (do liên doanh nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Thành An triển khai) từng được kỳ vọng thúc đẩy du lịch Quy Nhơn phát triển mạnh mẽ, hướng đến trung tâm vui chơi của khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

Cách đó không xa, quần thể Khu du lịch FLC Nhơn Lý chiếm hàng ngàn hécta đất, nhưng nhiều phân khu vẫn đang bỏ hoang hoặc bị thu hồi; một số khu khách sạn, nghỉ dưỡng đầu tư chưa xong đang xuống cấp...

Tương tự, siêu dự án Hải Giang Merry Land chiếm gần 625ha ở bán đảo Mai Hương cũng đang được đầu tư rất chậm, phân tán, chưa có hình hài rõ nét, chưa tạo được tầm vóc đại dự án du lịch đẳng cấp châu Á như kỳ vọng.

Hay như dự án Khu du lịch sinh thái, biệt thự Thị Nại Eco Bay (vốn 4.998 tỷ đồng, do Công ty CP Thị Nại Eco Bay đầu tư), được giao 29ha đất ven đầm Thị Nại từ năm 2018, nay cũng đang “đắp chiếu”.

khu-do-thi-phu-hoa-1673584224.jpg Đại dự án Khu đô thị du lịch, văn hóa, thể thao Phú Hòa (370ha) lấp hồ, phá núi ở lòng đô thị Quy Nhơn (Bình Định) bất động 8 năm qua. Ảnh: NGỌC OAI

“Trùm mền” sau khi thi công rầm rộ

Siêu dự án nghỉ dưỡng Novaworld Phan Thiết từng có mấy chục ngàn công nhân ngày đêm thi công liên tục, thu hút hàng ngàn khách hàng tới tìm hiểu và đặt mua, nay cũng… im ắng. Hàng trăm ngôi nhà đã xây dựng xong gần như trống không; khu vui chơi cho trẻ em vắng tanh; hàng chục thiết bị xây dựng sân golf, hồ bơi cùng nhiều công trình xây dựng khác nằm bất động. Nhân viên bán hàng của dự án cho biết, vẫn có khách hàng tới tìm hiểu nhưng rất ít và đều muốn biết bao giờ dự án khởi động lại để quyết định có đầu tư hay không.

Qua ghi nhận, nhiều tỉnh, thành phố ven biển như: Phan Thiết, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… đều có hàng loạt dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng quy mô hàng trăm hécta đang bỏ hoang hoặc thi công dở dang.

Chạy dọc theo tuyến đường ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Bình Thuận, Nha Trang, Quy Nhơn…, không khó để mục sở thị nhiều biệt thự trong các khu nghỉ dưỡng đã mục nát, ngói rơi từng mảng, cỏ dại mọc đầy lối đi.

Điển hình như tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam được cấp 100ha đất ở khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) cho Công ty TNHH MTV Bãi Chuối xây dựng khu nghỉ dưỡng, có vốn đầu tư 102 triệu USD. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 và chuẩn bị thi công thì đến nay dự án vẫn… bất động.

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế chiếm 72ha đất tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng trong hoàn cảnh tương tự, bởi sau khi cấp tập xây dựng xong phần thô thì bỗng dưng dự án bị dừng thi công…

Theo một lãnh đạo xã Phú Thuận, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 với tổng vốn 600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2011 nhưng đến nay vẫn “trùm mền”. Hiện, 64 hộ dân trong khu vực dự án vẫn chưa được đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định; nhiều nhà cung cấp vật liệu xây dựng, nhân công san lấp mặt bằng, xây dựng phần thô chưa nhận được tiền thanh toán của nhà thầu thi công.

Đề cập đến tình cảnh các dự án bỏ hoang, “trùm mền” ở bãi biển Mỹ Khê, dự án Khu du lịch Thiên Đàng, dự án Khu đô thị An Sơn…, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, thực trạng này khiến ngành du lịch tỉnh gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đặng Văn Minh, hiện nhiều dự án đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vướng mắc không chỉ về đầu tư mà còn về pháp lý. Tỉnh đang chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc, dần vực dậy các dự án.

Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Thiếu hạ tầng

Trong khi hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng “trùm mền” thì nhiều địa phương có các dự án lại thiếu trầm trọng hạ tầng để phục vụ cho phát triển du lịch.

Theo chương trình hành động về xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch do UBND tỉnh này ban hành vào tháng 10-2021 thì đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch ASEAN.

Theo đó, sẽ có 10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao, đồng thời kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao; ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách đến tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó khách quốc tế khoảng 45%-50%. Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng - được ví như “xương sống” trong phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế - còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển với số vốn hàng ngàn tỷ đồng đã được khởi công rồi dừng lại, gây ra muôn vàn hệ lụy.

Đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, các dự án “đắp chiếu” vì một số nguyên nhân như: nhà đầu tư thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không còn đủ khả năng triển khai dự án... Mặc dù lãnh đạo tỉnh đang có nhiều giải pháp để gỡ vướng tình trạng này, nhưng thực tế khá khó khăn.

Là một địa phương thu hút đáng kể du khách những năm qua, nhưng xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn thiếu trầm trọng khu nghỉ dưỡng, vui chơi…

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã bán đảo Nhơn Lý, cho biết, lượng khách du lịch đến với bán đảo ngày càng đông đã tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, gần đây, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng “đứng hình” khiến nhiều mục tiêu, chương trình phát triển du lịch địa phương gặp khó.

“Các điểm du lịch ở Nhơn Lý rất cần có quy hoạch tổng thể, thu hút nhà đầu tư để khai thác bài bản, nâng tầm. Tôi mong muốn các cấp, các ngành cần có chính sách tạo điều kiện để duy trì, tháo gỡ khó khăn cho các dự án du lịch”, ông Dũng đề xuất.

 

 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/dung-de-bat-dong-san-du-lich-trum-men-bai-1-tu-ky-vong-den-that-vong-447494.html