Trung Quốc mở cửa có ‘cứu’ kinh tế toàn cầu?

Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục u ám với áp lực lạm phát và động thái thắt chặt cung tiền. Trong bối cảnh đó, quyết định mở của trở lại của Trung Quốc – thị trường hơn 1 tỷ dân – được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Bước ra từ đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế thế giới không thể phục hồi và tăng tốc như kỳ vọng. Áp lực lạm phát tăng cao khiến nhiều nền kinh tế phải thắt chặt cung tiền, nhu cầu bị giảm sút. Cùng với đó, Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid-19” cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tình hình không khả quan hơn trong năm 2023, khi “bóng ma” lạm phát vẫn đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều tổ chức và cơ quan nghiên cứu quốc tế đều đưa ra dự đoán rằng các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu sẽ tiếp tục động thái siết chặt cung tiền, khiến nhu cầu tiếp tục bị sụt giảm - nỗi lo lớn cho các quốc gia xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung ảm đạm ấy, vẫn le lói những điểm sáng. Đặc biệt phải kể đến là quyết định mở cửa lại của Trung Quốc – thị trường hơn 1 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ thị trường tiêu thụ lớn cho tới nắm giữ nhiều công đoạn sản xuất quan trọng.

Trung Quốc mở cửa giúp khơi thông phần nào sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, từ đó giảm bớt yếu tố chi phí đẩy, bớt đi áp lực phải kiềm chế lạm phát cho các ngân hàng trung ương. “Hầu hết các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển đều hoan nghênh sự mở cửa trở lại của Trung Quốc”, Reuters bình luận.

Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia có quan hệ giao thương mật thiết với Trung Quốc như Việt Nam. Chuyên gia kinh tế người Trung Quốc Vương Huy Diệu, nêu quan điểm trên tờ South China Morning Post, dự báo sẽ có sự phục hồi “ngoạn mục” trong tiêu dùng năm 2023 khi tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc được giải tỏa sức mua vốn đã bị kìm nén suốt thời gian thực hiện chính sách “zero Covid-19”.

Bên cạnh tiêu dùng nội địa, người Trung Quốc còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua du lịch toàn cầu. Lượng du khách Trung Quốc đông đảo chi tiêu gần 20% tổng thu của du lịch quốc tế, tương đương với hơn 250 tỷ USD vào năm 2019.

Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa trở lại, lượt tìm kiếm về du lịch tại Trung Quốc gia tăng đột biến. Sau đó, các công ty du lịch, lữ hành đã nhận được số lượng đăng ký du lịch quốc tế tăng mạnh từ người dân Trung Quốc. Thái Lan, điểm đến du lịch ưa thích của người Trung, được dự báo sẽ hưởng mức tăng trưởng 3% chỉ nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng làm dấy lên nhiều lo ngại. Bên cạnh nguy cơ lây lan Covid-19, tờ The Economist dự báo, Trung Quốc có thể làm tăng giá một số mặt hàng, đặc biệt là nhiên liệu. The Economist dẫn dự báo của ngân hàng Goldman Sachs, cho biết việc Trung Quốc mở cửa có thể đẩy giá dầu thô Brent lên trên 100USD mỗi thùng vào quý III/2023, tăng khoảng 25% so với giá hiện nay.

Giá khí đốt cũng có khả năng bị đẩy lên cao. Reuters bình luận, sự vắng mặt của Trung Quốc trong thị trường khí đốt năm vừa qua đã giúp châu Âu mua được khí đốt với giá thấp hơn. Do đó, “một Trung Quốc nóng hơn có thể khiến châu Âu chìm trong giá lạnh”. Áp lực lạm phát tại châu Âu cũng tiếp tục bị đè nặng, bởi hơn 40% lạm phát tại châu Âu là do giá năng lượng.

Tiêu dùng từ Trung Quốc được dự đoán là sẽ thúc đẩy khoảng 1,5% GDP của châu Âu, tuy nhiên các nhà kinh tế không chắc chắn rằng mức tăng này sẽ bù đắp được thiệt hại do nguy cơ lạm phát.

Nguy cơ tăng giá hàng hóa toàn cầu khi Trung Quốc mở cửa không phải chỉ là “lo hão”. Tờ AFR cho biết, vào đầu tháng 11, tin đồn về việc mở cửa trở lại của Trung Quốc khiến giá cả hàng hóa tăng đến 7% vào cuối ngày.

Định vị lại chuỗi cung ứng

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, sau đó là đại dịch Covid-19 và chính sách “zero Covid-19” kéo dài dai dẳng khiến các nhà đầu tư quốc tế có xu hướng tìm kiếm điểm đến đầu tư mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các quốc gia như Mexico, Indonesia, Malaysia và Việt Nam được nhận định là hưởng nhiều lợi ích từ xu thế này.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nhiều quốc gia lo ngại rằng xu thế dịch chuyển dòng vốn sẽ bị đảo ngược. Dù khá “bất mãn” với những quyết sách của Trung Quốc nhưng các công ty không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nền kinh tế này, với thị trường tiêu dùng quy mô lớn, hệ sinh thái đầy đủ và đa dạng.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực thu hút lại vốn đầu tư thông qua hoạt động công du nước ngoài của các phái đoàn quan chức và doanh nhân. Chính phủ Trung Quốc, vào đầu tháng 12, đã chỉ đạo chính quyền các địa phương ưu tiên tìm kiếm và mời gọi nhà đầu tư quốc tế.

Về dài hạn, Trung Quốc vẫn là điểm đến được yêu thích, bởi “sức mạnh của Trung Quốc về lực lượng lao động và năng lực sản xuất công nghiệp là rất khó bị đánh bại”, theo Tech Wire Asia. Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn đầu tư East West Associates, khó có thể xảy ra sự thay đổi ngay tức khắc về xu thế chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế, tháng 12 vừa qua, Trung Quốc vẫn phải rất vất vả để ổn định lực lượng lao động cũng như hoạt động sản xuất khi số lượng ca nhiễm tăng vọt.

Tờ Channel News Asia, dù nhận xét tích cực về tiềm năng quay trở lại Trung Quốc của doanh nghiệp nước ngoài, vẫn phải thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải giải quyết nhiều thách thức trước khi trở lại vị thế hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Channel News Asia dẫn lời một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, cho biết nhiều công ty đang “chờ xem diễn biến thực tế để đưa ra quyết định”.

Như vậy, có thể thấy vẫn còn nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng. Năm 2022, Việt Nam chứng kiến số vốn FDI thực hiện tăng cao kỷ lục, là dấu hiệu lạc quan về niềm tin của doanh nghiệp quốc tế với môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là điều cần được duy trì trong giai đoạn tới để giành được vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tranh thủ khi Trung Quốc đang vật lộn với giai đoạn chuyển đổi mô hình chống dịch.

Link nội dung: https://biztoday.vn/trung-quoc-mo-cua-co-cuu-kinh-te-toan-cau-447988.html