Kết quả tích cực trong cải cách thể chế quản lý thuế thời gian qua
Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, công tác quản lý thuế đã được hiện đại hóa theo thông lệ quốc tế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức thuế các cấp được kiện toàn, tinh giảm; cơ sở vật chất, trang thiết bị toàn ngành Thuế được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ; công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế được đổi mới về phương pháp, đa dạng hóa về hình thức và bước đầu chuyên sâu về nội dung; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của người nộp thuế được tăng cường và nâng cao năng lực; ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế.
Đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, bao quát các nguồn thu, giảm thất thu thuế, góp phần bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN), qua đó thúc đẩy đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.
Về cải cách thể chế quản lý thuế trong giai đoạn 2011-2020: Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả thu NSNN, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu; tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của Nhà nước, xã hội trong công tác quản lý thuế; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế; bộ máy hành chính thuế không ngừng được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý thuế từng bước chuyên nghiệp, chuyên sâu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hiện đại hoá công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập, quốc tế...
Trước yêu cầu đó, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ, trình Quốc hội 3 lần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 (Luật sửa đổi, bổ sung số 21/2012/QH13, số 71/2014/QH13, số 106/2016/QH13) và đến năm 2019 đã trình Chính phủ, trình Quốc hội Ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 (Thay thế cho Luật Quản lý thuế số 78/2006/ QH11 và các Luật sửa đổi, bổ sung). Để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 5 nghị định và xây dựng ban hành 09 thông tư quy định, hướng dẫn chi tiết Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi thể hiện đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đã tạo hành lang pháp lý nhằm cải cách hành chính, trong đó có cải cách tài chính công, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế; Tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hình thành các tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở nộp thuế.
Cùng với đó, Luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thuế. Luật Quản lý thuế là văn bản pháp lý quan trọng tạo sự thống nhất, minh bạch trong triển khai công tác quản lý thuế; quy định đầy đủ các chức năng quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế; quyền và nghĩa vụ người nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; xác định đúng vai trò quản lý thuế của cơ quan thuế và là cơ sở pháp lý chính thức để sắp sếp tổ chức lại bộ máy quản lý của cơ quan thuế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong những năm qua, thể chế quản lý thuế đã có nhiều sửa đổi quy định về thời gian khai thuế, nộp thuế để giảm tần suất kê khai, nộp thuế, chi phí của người nộp thuế, mở rộng diện doanh nghiệp đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế điện tử, qua mạng internet; thay đổi phương pháp tính thuế, mức thuế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế kinh doanh dưới “ngưỡng tính thuế giá trị gia tăng” và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các khoản phí, lệ phí; chuẩn hóa quy trình quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất, có tính liên kết cao.
Một số tồn tại, khó khăn
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách thể chế quản lý thuế giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một số hạn chế sau:
Một là, ngành Thuế chưa được bổ sung chức năng điều tra thuế, điều này làm hạn chế hiệu quả trong việc xử lý các trường hợp trốn, tránh thuế tinh vi phức tạp. Trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các phương án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, qua nhiều ý kiến, có thể thấy rằng, việc bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tại thời điểm xây dựng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là chưa thực sự phù hợp, do quy định pháp luật hiện hành (Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự) chưa quy định chức năng điều tra của cơ quan thuế, vì vậy Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chưa quy định chức năng này.
Hai là, việc xây dựng và ban hành Thông tư kế toán thuế còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do các thay đổi của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, vì vậy cần phải có thêm thời gian rà soát để bổ sung và hoàn thiện nhằm đảm bảo thống nhất quy định giữa kế toán thuế và quản lý thuế.
Định hướng hoàn thiện thể chế quản lý thuế đến năm 2030
Giai đoạn 2021-2030, ngành Thuế đặt mục tiêu trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nước đứng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực.
Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, vềxây dựng thể chế quản lý thuế là sẽ tiếp tục hoàn thiện để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ quan thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, đủ năng lực để thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế đã đề ra.
Chiến lược đưa ra một số giải pháp cụ thể về cải cách thể chế quản lý thuế đến năm 2030 như sau: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế nhằm nâng cao năng lực quản lý thu thuế, phù hợp với yêu cầu chính phủ điện tử, đồng thời thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện trên cơ sở phân loại mức độ tuân thủ pháp luật và mức độ rủi ro của người nộp thuế. Hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong một số lĩnh vực trọng yếu như: Chống chuyển giá; hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới; đại lý thuế; việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các cơ quan có liên quan. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế và thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực thuế trên môi trường điện tử phù hợp với thông lệ quốc tế; Nghiên cứu bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; mô hình tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp theo hướng tinh gọn để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả. Tái thiết kế quy trình quản lý thuế nhằm đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả, đồng bộ với thời gian có hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ngày 22/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2438/QĐ-BTC phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Chương trình hành động đề ra các nội dung cải cách thể chế quản lý thuế. Cụthể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế và thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực thuế trên môi trường điện tử phù hợp với thông lệ quốc tế; vai trò chủ động của cơ quan thuế trong thu hồi nợ thuế, thủ tục rút gọn nhằm tự động xoá nợ/thu hồi các khoản nợ nhỏ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định về khoanh nợ/xóa nợ đối với các khoản nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; nghiên cứu bổ sung cơ quan là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công tác quản lý thuế.
Hai là, nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vào Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công tác quản lý thuế trong phát hiện và xử lý truy thu kịp thời tiền thuế trốn, tiền thuế bị chiếm đoạt vào ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế, sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế; mặt khác để giảm áp lực hình sự hoá các hoạt động kinh tế;
Ba là, xây dựng, triển khai chương trình nâng cao tuân thủ tổng thể, chiến lược quản lý rủi ro tuân thủ và các kế hoạch cải thiện tuân thủ hàng năm chi tiết cho các chức năng chính kèm theo các tiêu chí đánh giá hoạt động hàng năm, đảm bảo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, tạo sự công bằng minh bạch trong áp dụng các biện pháp quản lý thuế;
Bốn là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ và cung cấp dịch vụ đầy đủ thông tin cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật thông qua các dịch vụ thuế điện tử với chất lượng tốt và mức chi phí phù hợp theo từng nhóm người nộp thuế, đáp ứng các tiêu chuẩn theo thông lệ tốt quốc tế.
Năm là, hoàn thiện quy định pháp luật về đại lý thuế, ban hành Nghị định hướng dẫn hành nghề đại lý thuế với nội dung theo hướng mở rộng điều kiện hành nghề, cho phép nhân viên đại lý thuế được hành nghề độc lập cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế là cá nhân; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dịch vụ, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế thông qua việc tăng cường số lượng và chất lượng hoạt động của dịch vụ đại lý thuế.
Sáu là, hoàn thiện thể chế về thu thập dữ liệu tự động trong nội bộ cơ quan thuế và với các bên thứ ba có liên quan (loại dữ liệu, định dạng, bảo mật và an toàn thông tin, chế độ báo cáo, phân quyền…) nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo thông tin phục vụ cho quản lý rủi ro, dự toán thu thuế và một số nghiệp vụ đặc thù như việc phân tích giá chuyển nhượng, thương mại điện tử.
Bảy là, xây dựng và ban hành một số tiêu chí xác định doanh nghiệp lớn phục vụ mục đích quản lý thuế nhằm phân công, phân cấp quản lý một cách rõ ràng, chồng chéo giữa cơ quan thuế các cấp; đồng thời bước đầu tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, phương pháp quản lý mới, đặc thù áp dụng riêng cho khối doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp lớn tuân thủ pháp luật thuế và ngày càng lớn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
Link nội dung: https://biztoday.vn/hoan-thien-the-che-quan-ly-thue-den-nam-2030-450761.html