Những ngày giáp Tết, thời tiết ngư trường thuận lợi, nước biển lặng yên, xanh ngắt nên ngư dân ở Tiền Giang tích cực bám biển. So với cùng kỳ năm trước, số ngày hoạt động của tàu thuyền đánh cá ở các tổ, đội khai thác hải sản dường như cũng nhiều hơn.
Hiệu quả từ những tổ hợp tác đánh cá
Khu phố 2, khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) những ngày giáp Tết nhưng vẫn có hàng chục tàu thuyền khai thác đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, để các tàu thuyền có sự liên kết hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển, chính quyền địa phương đã thành lập các Tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản, hiện thị trấn Vàm Láng có 18 tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ.
Thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2014, Tổ hợp tác khai thác thủy sản Trường Duy, khu phố 2, thị trấn Vàm Láng có 12 ghe tàu đánh bắt xa bờ với 84 thành viên, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hơn 03 tháng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Ảnh Quốc Anh |
Ông Nguyễn Văn Mùi, khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng cũng đã gia nhập Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ được 07 năm, hiện Tổ hợp tác có 05 tàu thuyền với 35 thành viên, phương tiện được đầu tư trang thiết bị hiện đại như bộ đàm, định vị. Những chuyến ra khơi, bên cạnh sự đồng hành của lực lượng chức năng, ông Mùi còn có các thành viên trong tổ sẵn sàng thông tin, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn nên ông rất yên tâm.
“Từ khi tham gia Tổ hợp tác, đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả cho mỗi chuyến khai thác hải sản. Từ đó, kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn xưa”, ông nói.
Mặc dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ thẻ vàng vẫn còn là một hành trình dài. |
Điều đáng nói là từ ngày tổ hợp tác ra đời, các thành viên trong tổ luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau với nhiều hình thức. Không chỉ hỗ trợ nhau trong cuộc sống thường ngày, khi có sự cố trên biển… mà còn chia sẻ nhau nguồn hải sản trên ngư trường. Khi phát hiện điểm nào có tôm cá nhiều sẽ chia sẻ cho các thành viên trong tổ tới đó đánh bắt. Hay khi có tàu nào xâm nhập trái phép vào vùng biển của mình thì sẽ thông tin cho cảnh sát biển, kiểm ngư và lực lượng biên phòng biết để tới đó làm việc với những tàu lạ.
Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong thời gian gần đây, nhờ giá nhiên liệu giảm mạnh, khai thác biển bắt đầu có lãi trở lại nên ngư dân trong tỉnh đang tích cực ra khơi, bám biển khai thác hải sản sau một thời gian đình trệ bởi những khó khăn khách quan. Ước tính, thời điểm này có khoảng 850 phương tiện đánh bắt, chiếm 80% số phương tiện hiện có của tỉnh đã ra khơi khai thác hải sản, tăng hơn 30% số phương tiện khai thác so với đầu năm 2022.
Đồng thời, nhằm hỗ trợ nhau kịp thời khi có thiên tai, sự cố trên biển, tỉnh Tiền Giang còn vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã đánh bắt theo nhóm ngành nghề khai thác như: Nhóm lưới kéo, nhóm lưới vây kết hợp ánh sáng, nhóm lưới rê tầng đáy… Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 44 tổ hợp tác, 01 hợp tác xã và 03 nghiệp đoàn khai thác hải sản trên biển. Xác định khai thác hải sản là mũi nhọn kinh tế của địa phương, tỉnh thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến ngư. Cùng với phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, kiện toàn trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác trên vùng biển khơi xa của Tổ quốc, tỉnh còn hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần làm chỗ dựa vững chắc để ngư dân bám biển làm giàu.
Khó khăn vẫn bám biển
Thực tế cho thấy, việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành thủy sản và phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển như ở Tiền Giang thời gian qua không phải là hiếm trên các vùng biển cả nước. Việc thành lập các tổ, đội, HTX đánh bắt xa bờ đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sau khi khai thác cũng như tạo hậu cần vững chắc cho nghề biển. Nhưng cũng phải thẳng thắn, các tổ hợp tác, HTX đánh bắt cá xa bờ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng thành viên các tổ, đội đánh bắt cá xa bờ vẫn ngày đêm bám biển. |
Ông Nguyễn Văn Diều, ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có 10 tàu cá khai thác xa bờ, công suất từ 500 CV/tàu trở lên, đang đánh bắt trên biển 6 chiếc kể: "Chúng tôi đi nhiều, đánh bắt nhiều nhưng vẫn thua lỗ. Bởi giá dầu ngày càng tăng cao, chưa kể thiếu vốn, thiếu lao động... nên nhiều anh em trong nghề không còn khả năng tài chính để hoạt động, nhất là thời điểm giá dầu vượt mức 25.000 đồng/lít, hơn 50% tàu cá ở đây không ra biển vì càng đi càng lỗ. Nhiều anh em vay mượn tiền đưa tàu đi đánh bắt nhưng không được phải để tàu nằm bến".
Bên cạnh đó, do việc đánh bắt hải sản không có kế hoạch và đánh bắt tràn lan nên nguồn lợi thủy sản trên ngư trường đang dần suy kiệt, sản lượng khai thác thấp, giá cả hải sản không tăng, bất ổn định, thậm chí xuống thấp. Đặc biệt, kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, đến nay đã trải qua 5 năm gian nan để gỡ thẻ này. Mặc dù các bộ, ngành và 28 địa phương có biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ thẻ vàng vẫn còn là một hành trình dài.
Nhìn ở góc độ vĩ mô thì Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế biển. GS.TS Chu Hồi, chuyên gia về kinh tế biển khi nhìn nhận về tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam cho rằng, các ngành kinh tế thuần biển hiện đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Ngoài nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm cho người dân trong đánh bắt hải sản xa bờ thì biển Việt Nam còn rất tiềm năng trong phát triển du lịch.
Theo GS.TS Chu Hồi, biển nước ta hội tụ cả 5 yếu tố cấu thành tiềm năng du lịch theo quan niệm của người Trung Quốc, là: thực, trú, hành, lạc và y. Vùng biển Việt Nam có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi và tạo lợi thế cho phát triển du lịch biển, hấp dẫn khách du lịch trên suốt chiều dài đất nước như đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả,… xen kẽ với các mũi nhô đá gốc (mũi bán đảo Đồ Sơn, Lạch Trường, mũi Ròn, Sơn Trà, mũi Đại Lãnh, mũi Né,...) và gần 50 vũng, vụng ven bờ (coastal bay).
Thay lời kết
"Đẹp là vậy, tiềm năng là vậy. Đáng tiếc là biển Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về môi trường, tài nguyên biển liên quan đến an toàn, an ninh và cách ứng xử tiêu cực của con người. Hội chứng phát triển tràn lan các khu kinh tế ven biển đang hiện hữu ở nước ta, dù đã quyết tâm khắc phục, khiến cho đầu tư vẫn dàn trải, khó có thể tạo ra “đột phá” trong phát triển kinh tế biển bền vững.", GS.TS Chu Hồi nói.
Chưa hết, các hoạt động khai thác quá mức nguồn lợi hải sản và đánh cá bất hợp pháp (IUU) ở ngay “Ao nhà”; sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường; sự mất dần các rạn san hô ở các cụm đảo san hô ngoài khơi và ven bờ; nguy cơ xả thải rác, nhất là rác thải nhựa và nhấn chìm các loại chất thải có nguồn gốc từ đất liền,…đã và đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái biển nước ta và tác động trực tiếp đến các hoạt động du lịch biển bền vững.
Cho nên, bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, duy trì nguồn vốn tự nhiên biển để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển đang là một nhu cầu thực tế cấp thiết. Đây cũng là con đường “độc đạo” được Việt Nam lựa chọn để phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng một vùng biển thịnh vượng, hòa bình và ổn định.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tam-thuc-xanh-nhin-tu-kinh-te-bien-454475.html