Ngày 8/1/2023, Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại – một động thái được chờ đợi từ lâu. Đây là thị trường quan trọng hàng đầu với du lịch ASEAN, và thực tế không thể phủ nhận là khách du lịch từ Trung Quốc đã không có cơ hội quay lại ASEAN trong ba năm qua.
Năm 2022, lượng du khách Trung Quốc chỉ chiếm 1 – 3% so với năm 2019, để lại một khoảng trống lớn cần lấp đầy, khi dữ liệu cho thấy chỉ riêng du khách Trung Quốc đã chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động du lịch ở hầu hết các nước ASEAN, đặc biệt là ở Thái Lan và Việt Nam, với mức 30% tổng lượng khách du lịch tới mỗi quốc gia trong thời kỳ trước Covid-19.
HSBC trong báo cáo mới nhất về khu vực ASEAN nhận định Thái Lan là một quốc gia hưởng lợi đáng kể, bởi khách Trung Quốc không chỉ chiếm tỷ trọng lớn nhất, mà còn là nhóm chi tiêu nhiều nhất tính trên đầu người.
Bên cạnh đó, doanh thu từ du lịch chiếm gần 12% GDP của Thái Lan, trong đó 3% đến từ Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc quyết định dỡ bỏ tất cả các hạn chế kiểm dịch, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo sẽ có ít nhất 5 triệu khách du lịch Trung Quốc quay trở lại, nâng tổng dự báo lượng khách du lịch của nước này lên 25 triệu vào năm 2023 – đạt 60% so với mức của năm 2019.
Thật vậy, ngay sau khi Trung Quốc công bố, lượng đặt vé đi Thái Lan đã tăng 400% trên Trip.com, đưa Thái Lan trở thành một trong năm điểm đến phổ biến nhất của du khách Trung Quốc.
HSBC ước tính nếu khách du lịch Trung Quốc trở lại mức trước đại dịch và chi hết tiền cho hàng hóa sản xuất trong nước, thì Thái Lan có thể đóng góp tối đa 1,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy sự hồi sinh du lịch của Việt Nam một cách ấn tượng vì tương tự như Thái Lan, khách du lịch Trung Quốc từng chiếm khoảng 30%.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhưng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm.
Tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú.
Hơn nữa, cũng cần xem xét quy mô không nhỏ của thị trường lao động phi chính thức ở ASEAN. Thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam thậm chí còn dễ bị tác động bởi du lịch, cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực nhà hàng và giải trí.
Ngay cả đối với Singapore, quốc gia không phụ thuộc nhiều vào du lịch, việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới sẽ hỗ trợ ngành MICE – du lịch kết hợp sự kiện, cùng với ngành hàng không.
Sân bay Changi đã giảm từ vị trí sân bay “đông đúc” thứ 7 thế giới vào năm 2019 xuống thứ 58 vào năm 2020. Nhưng nhờ Singapore quyết liệt mở cửa trở lại, vào cuối năm 2022, sân bay đã đạt 75% lưu lượng hành khách hàng tuần trước đại dịch, và tốc độ tăng còn chậm do thiếu du khách từ Trung Quốc.
Philippines cũng sẽ được hưởng lợi, nhưng sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc sẽ chỉ tạo ra một cú hích nhỏ khi xét tỷ trọng của sự phục hồi ngành du lịch với GDP.
Ngoài ra, ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh mẽ cũng sẽ mang lại lợi ích cho vị thế tài khoản vãng lai của ASEAN. Indonesia và Malaysia đã được hưởng lợi rất nhiều từ giá hàng hóa toàn cầu cao, trong khi Thái Lan và Việt Nam bị thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể do doanh thu du lịch sụt giảm.
Đơn cử tại Việt Nam, thâm hụt dịch vụ ngày càng lớn, do thiếu nguồn thu từ du lịch, là rào cản lớn đối với tài khoản vãng lai. Do đó, doanh thu từ khách du lịch nhiều hơn sẽ cung cấp thêm ngoại hối và giảm thâm hụt dịch vụ cho Việt Nam, mặc dù HSBC dự báo chỉ có một sự phục hồi nhẹ vào năm 2023.
Và trong khi có ánh sáng ở cuối đường hầm cho du lịch, những bất trắc về du lịch trong khu vực vẫn còn. Khách du lịch Trung Quốc sẽ quay trở lại nhanh chóng ở mức độ nào tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như các chuyến bay quốc tế sẽ được khôi phục nhanh chóng như thế nào, và khi nào việc đi lại sẽ được bình thường hóa.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cu-hich-du-lich-asean-khi-trung-quoc-mo-cua-454922.html