Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có báo cáo Ủy ban nhân dân TP.HCM về phương án xây dựng các cầu kết nối; trong đó có dự án cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2.
Theo thiết kế sơ bộ, dự án cầu Phú Mỹ 2 sẽ là cầu dây văng, nối Quận 7, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Hướng tuyến từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe) và kết nối hai làn xe vào đường Đào Trí (Quận 7), đi theo đường Hoàng Quốc Việt nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (Quận 7). Sau đó, tuyến tiếp tục nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ. Đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Hữu Thọ có quy mô 4 làn xe.
Vị trí giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ đề xuất bố trí nút giao khác mức (dự kiến phần tuyến chính đường Nguyễn Hữu Thọ đi trên cao) để hạn chế ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch.
Về quy mô, mặt cắt ngang cầu chính Phú Mỹ 2 gồm 6 làn xe với chiều rộng 27,5m. Thiết kế dự kiến là cầu dây văng. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối khu nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thông qua hướng đi từ đường Đào Trí như đã nói ở trên.
Cầu Phú Mỹ hiện hữu là cầu dây văng lớn nhất TP.HCM bắc qua sông Sài Gòn, nối Quận 7 và Quận 2 (nay là TP. Thủ Đức), nằm trên tuyến đường Vành đai 2 TP.HCM, có tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 9/2005, khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 9/2009. Cầu có tổng chiều dài 2.031 m, rộng 27,5 m với 6 làn xe; độ tĩnh không thông thuyền 37 m và tổng chiều cao 160 m tính từ đỉnh tháp trụ dây văng đến mực nước sông.
Cầu Phú Mỹ giúp việc lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn từ Miền Bắc và Miền Trung đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua địa phận TP.HCM được rút ngắn sau khi cầu Phú Mỹ và các đường vành đai nối đến cầu hoàn thành sẽ góp phần làm giảm sự quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ ở TP.HCM.
Dự án cầu Đồng Nai 2 sẽ kết nối TP.Thủ Đức, TP.HCM với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trong các phương án được đưa ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất như sau: Dự án có điểm đầu cầu nối với đường Vành đai 3 TP.HCM tại nút giao Gò Công và đường nhánh từ tuyến Vành đai 3 ra xa lộ Hà NộiLon, thuộc phường Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức; điểm cuối nối đường tỉnh 777B thuộc xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Cầu dự kiến quy mô 6 làn xe, rộng khoảng 28 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Cụ thể, hướng tuyến từ điểm đầu tuyến đi về hướng đông, vượt sông Tắc để vào địa bàn cù lao Long Phước. Hướng tuyến bám theo các trục đường quy hoạch của các đồ án 1/2000, sau đó tuyến rẽ về phía phía đông nnam để kết nối vào phương án 1 (theo hướng tuyến dự kiến của tỉnh Đồng Nai). Chiều dài tuyến đoạn qua TP.HCM dài khoảng 5,4 km.
Cùng với việc bổ sung hai cầu nói trên vào quy hoạch, dự án cầu Cát Lái được đề xuất điều chỉnh quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Lý do: Dự án cầu Cát Lái theo quy hoạch có quy mô mặt cắt ngang 8 làn xe theo quy hoạch, đồng thời sẽ phải điều chỉnh quy hoạch đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77 m và việc này sẽ ảnh hưởng đến tình hình sử dụng đất hai bên tuyến đường. Việc diều chỉnh quy mô cầu Cát Lái sẽ tránh ảnh hưởng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hai bên dự án.
Hướng tuyến cầu Cát Lái cũng được đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung các dự án hạ tầng của Thành phố. Cụ thể, đề xuất điều chỉnh hướng tuyến của cầu Cái Lái theo dự kiến trước đây. Công trình sẽ có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam TP.HCM rồi đi về phía đông vượt Rạch Đĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát. Tuyến sau đó vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai rồi đi trùng đường quy hoạch để kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-de-xuat-xay-cau-phu-my-2-va-dong-nai-2-455073.html