Các nhà mua hàng thế giới nhìn nhận Việt Nam đang trở thành điểm cung ứng hàng hóa mới và quan trọng. Việc đóng cửa nhà xưởng, sụt giảm mạnh đơn hàng, sa thải lao động của một số doanh nghiệp hiện nay được cho là do ảnh hưởng khó khăn chung toàn cầu. Do đó, bên cạnh việc xoay xở để tồn tại, các nhà sản xuất cần có bước chuẩn bị tốt khi thị trường khởi sắc trở lại.
Bà Eva Yueh, Giám đốc Tập đoàn Headwind Group, một nhà mua hàng hóa lâu năm, chia sẻ rằng Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng và chiến lược để tìm kiếm nguồn cung ứng nhờ lợi thế từ vị trí, thuế xuất nhập khẩu và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Do đó, Headwind Group đang tìm các nhà sản xuất uy tín trong các lĩnh vực từ ba lô, túi mua sắm, túi xách đến các đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất và các mặt hàng khuyến mãi khác…
Theo ông Hu Wei, Giám đốc điều hành Global Sources, trong bối cảnh Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, ông nhận thấy những nhà mua hàng B2B quốc tế bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam và các nước lân cận. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình thành trung tâm sản xuất toàn cầu, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, giá cả cạnh tranh nên rất được ưa chuộng.
“Việt Nam đang được thế giới đặc biệt chú ý về nguồn cung ứng hàng hoá. Những năm gần đây, rất nhiều khách hàng của chúng tôi muốn đa dạng hóa sản phẩm của họ. Ngay cả trong thời điểm cả thế giới gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận lượng người mua tăng lên do các nhà mua hàng quốc tế cần đa dạng hóa nguồn cung ứng”, ông Hu Wei, CEO của Global Source (Hồng Kông), trả lời câu hỏi của KTSG Online vì sao chọn thời điểm kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn này để tổ chức sự kiện triển lãm nguồn cung ứng quốc tế tại Việt Nam (Global Sourcing Fair Việt Nam) – dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4-2023.
“Hàng loạt các nhà mua hàng từ Mỹ, châu Âu, châu Á đề nghị chúng tôi kết nối nguồn hàng giá rẻ từ Việt Nam và các nước lân cận. Trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ, EU muốn chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường cung ứng truyền thống như Hồng Kông, Nhật Bản sang Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Ngoài ra, chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện, giá cạnh tranh nên được nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia trên ưa chuộng”, ông nói.
Nói thêm về lý do chọn Việt Nam làm nơi tổ chức triển lãm nguồn cung ứng quốc tế, ông Hu Wei cho biết trong hơn 5 thập kỷ qua, Global Sources đã xây dựng một cộng đồng người mua rộng khắp trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1,5 triệu thành viên đã đăng ký và 200.000 người mua – những người đã tham dự các triển lãm thương mại trên toàn thế giới. Sau 7 năm liêp tiếp tổ chức tại Hồng Kông, Global Source đã chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức triển lãm guồn cung ứng quốc tế vào tháng 4-2023 nhằm tận dụng và phát huy thế mạnh này.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung ứng sản phẩm ngày càng tăng từ Việt Nam và khu vực Asean, việc tổ chức triển lãm chính là cầu nối giao thương trực tiếp cho người mua và nhà cung cấp. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 6.000 người mua đến từ Mỹ, châu Âu, châu Á…
Trước đó, tại Diễn đàn kinh doanh 2022, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô Brian Lee Shun Rong đến từ Ngân hàng Maybank, cũng cho rằng Việt Nam là ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Brian Lee đánh giá Việt Nam đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua nhờ chiến lược công nghiệp hóa được dẫn dắt bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ chiến lược này Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của khu vực, một “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dữ liệu của Maybank cho thấy cả nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua đều luôn lớn hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. Điều đáng chú ý, ngành hàng điện tử, điện thoại đã vượt mặt dệt may trở thành lĩnh vực mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chứng tỏ Việt Nam đã nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhà nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng đầu tư Maybank cũng cho rằng, Việt Nam có vị trí chiến lược dễ dàng tiếp cận với các tuyến vận chuyển quốc tế, qua đó, trở thành điểm đến mới của hàng loạt doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp thách thức. Trước dịch là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dòng hàng hoá và linh phụ kiện bị đình trệ. Dịch Covid-19 diễn ra làm cho chuỗi cung ứng đứt gãy do nhiều nước đóng cửa biên giới. Đại dịch đi qua, căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục đưa chi phí vận chuyển tăng vọt. Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid làm tăng thêm rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng, tác động đến lạm phát và hoạch định chính sách.
Vấn đề tồn kho lớn cùng với tiêu thụ chậm khiến các nhà sản xuất ngừng làm việc, cắt giảm lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng làm suy giảm kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và trên thực tế một số lĩnh vực, Việt Nam cũng đã khẳng định vị trí cao vươn lên tốp hai hoặc tốp ba cung ứng nhiều hàng hóa trên thế giới với giá trị lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ, cà phê, thủy hải sản…
Những sản phẩm về điện thoại di động và linh kiện, điện tử, máy móc và thiết bị… mang về hàng chục tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm.
Theo giới phân tích việc đóng cửa nhà xưởng, sụt giảm mạnh đơn hàng, sa thải lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay được cho là do ảnh hưởng khó khăn chung toàn cầu. Do đó, bên cạnh xoay xở để tồn tại, các nhà sản xuất cần có bước chuẩn bị tốt khi thị trường khởi sắc trở lại.
Đơn cử như ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn vì bị sụt giảm mạnh đơn hàng. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm.
“Khó khăn giai đoạn này mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, đối với ngành dệt may thứ nhất là vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. Chính vì vậy, giải pháp xoay quanh trọng tâm là giữ được hai tài sản chiến lược này. Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động…
Tương tự, theo ông Allan Kjaer, Giám đốc Kinh doanh và Phát triển sản phẩm Fine Scandinavia, nhu cầu đồ nội thất chắc chắn sẽ phục hồi nhưng cần thời gian và phụ thuộc vào những biến chuyển của chính trị lẫn kinh tế. Điều doanh nghiệp cần làm lúc này là tiết giảm chi phí tối đa để bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị tốt nhất về nội lực cho ngày trở lại đường đua ở tương lai.
Theo người đại diện của Fine Scandinavia, sụt giảm đơn hàng từ phía các đối tác quốc tế lúc này cũng là “cơ hội” để công ty tái cấu trúc quy trình nội bộ và ông Allan Kjaer cho rằng đây có thể cũng là tình hình chung của phần lớn doanh nghiệp trong ngành.
Đối mặt với tình trạng trên, điều đầu tiên mà đội ngũ điều hành Fine Scandinavia làm là xem xét các khoản chi phí khác nhau xung quanh công tác vận hành toàn bộ doanh nghiệp. “Một cuộc khảo sát chi tiết về hoạt động của từng bộ phận theo mốc thời gian hàng ngày, hàng giờ và thậm chí là hàng phút đã cho chúng tôi thấy được điểm hạn chế nào đang hiện diện trong cả quy trình chung. Từ đó, chúng tôi điều chỉnh và cắt giảm lãng phí”, ông nói.
Song song với việc tái cấu trúc quy trình nội bộ để tiết kiệm chi phí, Fine Scandinavia còn làm việc chăm chỉ để chinh phục cùng lúc 2 mục tiêu. Thứ nhất, tập trung phát triển sản phẩm mới như hướng tới phân khúc cao cấp hơn để tìm kiếm cơ hội mới, thử nghiệm các vật liệu mới để có được sự phong phú trong sản phẩm của mình…
Thứ hai, Fine Scandinavia tập trung thu hút khách hàng mới, nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở các thị trường ít bị tác động bởi lạm phát hơn. Một trong những hoạt động tiếp cận khách hàng hữu ích là trưng bày sản phẩm tại các hội chợ quốc tế. Hội chợ quốc tế là môi trường cần thiết để nâng cao nhận diện về thương hiệu. “Với chúng tôi, các hội chợ quốc tế luôn mở ra cơ hội thú vị để gặp gỡ khách hàng tiềm năng mới đến từ nhiều quốc gia và thị trường khác nhau trên thế giới. Đây sẽ là nhịp cầu giúp chúng tôi mở rộng cơ sở dữ liệu khách hàng. Nó thực sự mang lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh trong tương lai của mỗi doanh nghiệp”, ông nói.
Do đó Fine Scandinavia luôn chuẩn bị kỹ cho việc thể hiện năng lực và dịch vụ của mình tại những sự kiện kết nối giao thương như thế.
“Áp lực từ suy giảm thị trường khiến chúng tôi đang làm việc tích cực hơn lúc nào hết để có thể kiến tạo ra các giá trị mới và phát triển hoạt động kinh doanh”, ông Allan Kjaer nói. Tuy nhiên, để có được kết quả thực sự, doanh nghiệp vẫn cần thời gian, kiên nhẫn vượt khó. “Tương lai vẫn phụ thuộc vào tình hình ở châu Âu và các yếu tố nhiều biến động khác như giá cước vận chuyển, nguyên liệu,… “, ông nói.
Doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều thách thức và sự bất ổn khi mà xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, chủ nghĩa đa phương lên ngôi, suy thoái kinh tế và sự sụt giảm nhu cầu tiếp tục lan rộng…
Cho đến nay chưa có một câu trả lời chắc chắn nào dành cho tình hình thế giới. Nhiều dự đoán về năm mới đã được đưa ra với nhiều hy vọng dành cho việc kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong khoảng thời gian nửa cuối năm, mở đường khôi phục “sức khỏe” cho những doanh nghiệp sản xuất.
Và trong bối cảnh Việt Nam được các nhà mua hàng thế giới chú ý thì trong lúc này bản thân doanh nghiệp cần phải có bước cải tiến nâng cao năng lực sản xuất, chuẩn bị cho tương lai để đón lấy thời cơ khi thị trường khởi sắc trở lại.
Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp, trước mắt cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô; chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, theo giới phân tích Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đưa ra các định hướng, giải pháp, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuyển đổi số.
Đáng chú ý là sự kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Có thể nói để các chuỗi cung ứng mới hoạt động hiệu quả và bền vững, nhất là để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng mới, cần nhiều nỗ lực từ Chính phủ và doanh nghiệp trong nước.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chen-chan-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-khi-thi-truong-khoi-sac-tro-lai-455476.html