Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cả tiền gửi dân cư lẫn doanh nghiệp đều có tăng trưởng trong tháng 11/2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng tiền gửi của khu vực dân cư trong 11/2022 nhanh hơn nhiều so tiền gửi các tổ chức kinh tế.
Đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 126.600 tỷ đồng so với cuối tháng 10. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Mức tăng chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư. Lượng tiền gửi của khu vực dân cư tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 11/2022 đạt hơn 5,744 triệu tỷ đồng, tăng hơn 84.000 tỷ đồng so với tháng 10/2022. Điều này tương ứng mỗi ngày người dân gửi hơn 2.800 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Tháng 10/2022, tiền gửi của nhóm dân cư cũng đã tăng hơn 21.500 tỷ đồng.
Còn nếu so với thời điểm cuối năm 2021, tiền của người dân gửi tại các tổ chức tín dụng vào cuối tháng 11/2022 đã tăng đến hơn 444.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 8,38%).
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 11/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng 0,73% so với tháng liền trước, tương ứng 42.341 tỷ đồng lên gần 5,81 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 11/2022 chỉ tăng 163.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 2,9%). Tháng 10/2022, tiền gửi của nhóm này đã giảm 15.811 tỷ đồng.
Số liệu của NHNN cho biết, vào cuối năm 2021, tốc độ tăng tiền gửi của tổ chức kinh tế lên đến 15,73%, đạt 5,645 triệu tỷ đồng, còn tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,08%, đạt 5,3 triệu tỷ đồng.
Sang đến năm 2022, tốc độ tăng tiền gửi của tổ chức kinh tế lại có phần "giảm nhiệt" so với dân cư. Cụ thể, so với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống đến hết tháng 11/2022 tăng 3,55%. Trong đó tiền gửi dân cư tăng 8,38%, tiền gửi của tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,9%.
Nguyên nhân khiến người dân tăng tiền gửi ngân hàng là mức lãi suất huy động tại nhiều nhà băng tăng cao trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán… có nhiều biến động. Thời điểm tháng 11/2022, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, một số ngân hàng huy động tới 11-12%.
Trước cuộc đua lãi suất ngày một nóng, sang tháng 12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã kêu gọi các hội viên thống nhất mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất. Từ đó đến nay, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã có phần hạ nhiệt.
Theo một số lãnh đạo các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động tuy đã giảm trong vài tuần gần đây nhưng vẫn có khả năng sẽ điều chỉnh tăng trở lại. Bởi trước những biến động khó lường trên thế giới, áp lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn còn, áp lực tăng lãi suất vì thế vẫn hiện hữu.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19 trong khi mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm. Lãi suất huy động dự báo sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5 điểm %.
Lãnh đạo NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 vào khoảng 14-15%, tức tương đương với năm 2022.
Giới phân tích nhận định, với tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy, áp lực lên tăng trưởng huy động vốn năm 2023 sẽ còn lớn hơn năm 2022 nên lãi suất tăng là điều khó tránh khỏi. Và gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vẫn là một trong những kênh đầu tư được người dân quan tâm nhất trong năm 2023.
Link nội dung: https://biztoday.vn/lai-suat-tang-cao-o-at-gui-tram-ngan-ty-vao-ngan-hang-455504.html