Tân Tạo (ITA) hạch toán doanh thu thuần âm hơn 2.000 tỷ, thanh lý hợp đồng dự án Kiên Lương

Với "trường hợp bất khả kháng" liên quan đến dự án nhiệt điện Kiên Lương, Tân Tạo (ITA) giảm trừ doanh thu hơn 2.000 tỷ trong quý IV/2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 do CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) vừa công bố, doanh nghiệp ghi nhận âm hơn 1.576 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2022 (các khoản giảm trừ doanh thu trên 2.150 tỷ đồng) và cả năm lỗ ròng hơn 179 tỷ đồng.

Riêng trong quý IV, Tân Tạo hạch toán doanh thu thuần âm trên 2.033 tỷ đồng (các khoản giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng) và lỗ ròng hơn 330 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Tân Tạo. (Đvt: Tỷ đồng). (Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp).

Tân Tạo cho biết, căn cứ các nguyên nhân bất khả kháng buộc doanh nghiệp phải thanh lý Hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương số 2804/HĐKT-10 ngày 28/4/2010, dẫn đến doanh nghiệp phải giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2022 có xét đến 2023, “dự án Kiên Lương 1 bị loại bỏ không nằm trong danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành năm 2016-2030”.

Ngày 13/6/2016, Tổng cục Năng Lượng - Bộ Công Thương đã có văn bản thông báo “Dự án Kiên Lương 1 không có trong danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030. Vì vậy, Tổng cục Năng lượng không có cơ sở để tiếp tục triển khai”.

“Dự án Kiên Lương 1 bị Thủ tướng Chính phủ loại khỏi danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030 nên CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Tân Tạo không có cơ sở triển khai dự án, đây là trường hợp bất khả kháng theo hợp đồng”, Tân Tạo cho biết.

Trong nhiều kỳ kế toán trước đó, các hãng kiểm toán liên tục nhấn mạnh về khoản đầu tư của Tân Tạo tại TEDC liên quan đến khả năng thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ dự án Kiên Lương.

Tại ngày 31/12/2022, Tân Tạo không còn ghi nhận đầu tư vào TEDC (giá trị đầu tư tại ngày 30/9/2022 gần 1.753 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của dự án Kiên Lương tăng từ 543 tỷ đồng (vào cuối quý III/2022) lên hơn 2.221 tỷ đồng (chiếm 17,6% tổng giá trị tài sản) và phát sinh thêm 1.253 tỷ đồng phải thu dài hạn.

Tân Tạo đã thoái hết vốn tại TEDC. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của Tân Tạo).

Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của dự án Kiên Lương tăng lên hơn 2.221 tỷ đồng. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của Tân Tạo).

Dự án Nhiệt Điện Kiên Lương 1 do Tân Tạo đề xuất, được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư từ năm 2008 trên diện tích 160 ha và tổng mức đầu tư ban đầu là 2 tỷ USD.

Tại cuộc họp vào tháng đầu tháng 10/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 là dự án lớn, song quá trình chuẩn bị đầu tư rất chậm do chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn.

Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ cụ thể như chuyển hình thức đầu tư dự án sang Kinh doanh - Xây dựng - Chuyển giao (BOT) với các cam kết bảo lãnh của Chính phủ.

Do tiến độ triển khai chậm, đồng thời với chủ trương phát triển các nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp tại tỉnh Kiên Giang sử dụng khí Lô B dẫn đến việc các dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2 không có trong danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tan-tao-ita-hach-toan-doanh-thu-thuan-am-hon-2000-ty-thanh-ly-hop-dong-du-an-kien-luong-457402.html