Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản năm 2022. Về giao dịch, số liệu cho thấy, tổng lượng một số phân khúc như đất nền, căn hộ... tăng cao hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, giao dịch không ổn định.
Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 154.756, bằng khoảng 138,6% so với năm 2021. Với phân khúc này, giao dịch tăng cao nhất vào quý II, sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.
Còn đối với phân khúc đất nền, lượng giao dịch thành công là 630.881, bằng khoảng 370% so với năm 2021. Lượng giao dịch tăng mạnh nhất trong quý I, quý II, sau đó giảm mạnh trong quý III, tăng nhẹ trong quý IV.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn (Ảnh: Mạnh Quân).
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, dẫn số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Xây dựng cho biết cả thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2022 đều tăng so với 2021.
Trong đó, số doanh nghiệp lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 13,7%; số quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 56,7% và tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng đề cập cụ thể về tình hình phát hành trái phiếu - một trong các vấn đề được coi là khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt năm 2022.
Theo Bộ này, trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cho biết khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm dần so với năm 2021.
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành của cả thị trường là 328.900 tỷ đồng năm 2022. Nhóm bất động sản đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm.
Tính riêng trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỷ đồng, chiếm 33,6%.
Bộ Xây dựng cho biết, trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Về tình hình cấp tín dụng bất động sản, báo cáo cho thấy tính đến cuối 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng.
Về nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022, số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài cho thấy đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/dai-gia-bat-dong-san-co-no-khung-trai-phieu-ra-sao-457656.html