Tiết lộ lý do không chỉnh giá xăng vào chiều nay

Do diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng để thay đổi thời gian điều hành giá.

Ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng, nhưng kỳ điều chỉnh ngày 21/1 (tức 30 tháng Chạp) trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Do vậy, theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 1/2.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ ngày 11/1 đến 30/1, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, theo đề nghị của lãnh đạo Bộ Công Thương, Thủ tướng đã cho phép liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương điều chỉnh ngay trong ngày 30/1.

Do đó, chiều hôm nay (ngày 1/2), liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ không thực hiện điều hành giá xăng dầu. Giá xăng E5 RON 92 trong nước vẫn giữ ở mức 22.320 đồng/lít, xăng RON 95 giá 23.140 đồng/lít, dầu diesel 22.520 đồng/lít.

Thực tế, việc giá xăng dầu được điều chỉnh sớm hơn dự kiến 2 ngày không sai so với quy định. Cụ thể, Nghị định 95 quy định: "Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp".

Tại phiên điều hành giá ngày 30/1, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ ngày 11/1 và ngày 30/1 là: 98,8 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 10 USD/thùng, tương đương tăng 11,5% so với kỳ trước); 102,3 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 10 USD/thùng, tương đương tăng 11,1%).

Mặc dù cơ quan quản lý đã không trích lập, đồng thời chi quỹ bình ổn lần lượt là 850 đồng/lít và 950 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và RON 95, nhưng giá mặt hàng nhiên liệu trong nước vẫn tăng mạnh.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau 3 năm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; tác động của việc áp dụng giá trần do phương Tây áp đặt lên dầu mỏ của Nga; đồng USD yếu hơn cộng với việc OPEC+ được dự báo sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được cải thiện…

"Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng", liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tiet-lo-ly-do-khong-chinh-gia-xang-vao-chieu-nay-458253.html