Đúng như dự báo, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Động thái này tiếp tục gây sức ép lên việc ổn định lãi suất trong nước. Nhiều chuyên gia nhận định, giảm lãi suất cho vay là mục tiêu quan trọng của nền kinh tế trong năm nay nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay điều này vẫn là bài toán khó.
Kiềm chế lãi suất cho vay vẫn là thách thức lớn
Đánh giá về sự điều chỉnh của Fed, các chuyên gia nhận định, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới và việc giảm lãi suất thời gian tới phải là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cho biết, thế giới vẫn đang nỗ lực kiểm soát lạm phát và chính sách tiền tệ của Fed cũng như ngân hàng trung ương các nước phát triển đều ở trạng thái phòng thủ, không hỗ trợ cho việc đầu tư.
Bên cạnh sức ép đến từ việc Fed tăng lãi suất, các yếu tố nội tại trong nước như cung tiền năm 2022 giảm và thanh khoản nền kinh tế bị nghẽn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng cũng là những nguyên nhân khiến việc hạ lãi suất trong nước vẫn là vấn đề nan giải.
Hiện lãi suất huy động niêm yết công khai tại các ngân hàng đã hạ nhiệt, về mức dưới 9,5%/năm, đúng như cam kết của các ngân hàng với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Nhiều ngân hàng như Techcombank, Sacombank, SaigonBank, BacABank… đã giảm 0,2 - 0,3%/năm lãi suất một số kỳ hạn so với trước Tết.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi trên thị trường vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Báo cáo của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1/2023 tiếp tục tăng thêm 0,07% điểm % so với tháng 12 năm 2022, lên mức 8,49%/năm. So với cùng kỳ năm trước thì lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 2,68 điểm%. Đối với kỳ hạn 6 tháng, mức tăng trung bình thêm 0,11 điểm % so với tháng 12/2022, tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số ngân hàng cũng đang chào mời khách hàng VIP lãi suất tiền gửi ở mức cao hơn mức niêm yết, nếu con số tiền gửi lên đến hàng trăm tỷ đồng thì khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 12 - 13%. Mặc dù đây là mức lãi suất thỏa thuận và chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi lớn nhưng cũng tác động không nhỏ đến mặt bằng lãi suất cho vay nói chung.
Tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề "Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức" hồi tháng 1/2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, bài toán khó nhất đối với Ngân hàng Nhà nước là tìm điểm cân bằng hài hoà giữa điều hành lãi suất và tỷ giá.
"Định hướng xuyên suốt mà Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện trong năm 2023 là theo phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Còn cách thức điều hành thì chúng tôi rất linh hoạt cho tất cả các công cụ và tùy từng thời điểm thị trường để đưa ra những giải pháp, chính sách, lộ trình để làm sao vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng cũng không lơ là lạm phát", ông Quang nói.
Cần thiết tăng cung tiền, hạ lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn
Trao đổi về vấn đề kiểm soát lãi suất, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp địa ốc), TS. Đinh Thế Hiển nhận định, đầu tư công vẫn còn nhiều dư địa để Chính phủ tăng cung tiền, tạo động lực phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
"Năm 2022, mặc dù thu ngân sách vượt chỉ tiêu nhưng đầu tư công chưa phát huy được tác dụng, mức cung tiền của Chính phủ chỉ có 7%, trong khi GDP đạt mức 8%. Như vậy đầu tư công vẫn còn nhiều dư địa để Chính phủ cung tiền", ông Hiển nói.
TS. Đinh Thế Hiển cũng nhận định nền kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ quý II/2023 và cũng sẽ có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 bởi hiệu ứng đầu tư công và sự ổn định về tài chính tiền tệ.
"Chính phủ vẫn đang kiểm soát các ngân hàng yếu kém, từng bước ổn định cân bằng dòng tiền và các ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất tiền gửi niêm yết. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh lại hoạt động cho vay với những điều kiện chặt chẽ hơn, ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà và vay làm dự án bất động sản có pháp lý minh bạch. Trong thời gian chờ đợi các chính sách của cơ quan quản lý dần phát huy hiệu quả, chúng ta phải chủ động tháo gỡ khó khăn", ông Hiển nêu quan điểm.
Tại đối thoại "Kinh tế 2023: Điều hành chính sách tiền tệ và giải bài toán vốn cho doanh nghiệp" hồi tháng 1, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải căn cứ trên mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5% và mặt bằng lãi suất còn đang rất cao để đưa ra trọng tâm điều hành, trong đó có vấn đề hạ lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
"Tôi không cho rằng mục tiêu về chính sách tiền tệ trong năm 2023 quá gian nan. Thủ tướng đã chỉ đạo phải phối hợp nhiều chính sách, hài hòa cân đối để không bị trục trặc. Giải pháp khả thi nhất để giảm lãi suất hiện nay là tăng cung tiền. Với lạm phát kỳ vọng 4,5% trong năm 2023, lãi suất huy động phải kéo về mức 6 - 7%/năm là phù hợp, khi đó, lãi suất cho vay sẽ không trở nên quá sức với doanh nghiệp", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
"Việc đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh, song hành với doanh nghiệp là cần thiết. Trong đó, việc cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, cái nào cần thiết hơn thì phải thỏa thuận. Có lẽ chúng ta linh hoạt tỷ giá sẽ tốt hơn là tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất bao nhiêu chúng tôi chưa thấy công bố nhưng có thể chấp nhận mức linh hoạt câu chuyện tỷ giá hơn là tăng lãi suất. Vì nếu tăng lãi suất hiện nay thì sẽ là bài toán rất lớn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp".
TS. Cấn Văn Lực,
Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia
Link nội dung: https://biztoday.vn/ap-luc-giam-lai-suat-tiep-tuc-la-thach-thuc-voi-he-thong-ngan-hang-458876.html