Cuối năm ngoái, chính quyền thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định tháo dỡ 2 căn nhà xây dựng trái phép tại thôn Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến. Đây là 2 trong số 6 căn nhà xây dựng trái phép ở thôn Phú Hậu trên diện tích đất do Khu kinh tế Nhơn Hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định quản lý.
Một người dân tại thôn Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát cho biết: “Mới xây có vài năm, họ xây ban ngày. Hồi mới xây, chính quyền can thiệp, để đất không và không cho xây. Ban Quản lý Khu Kinh tế biết nhưng dân cứ nói bây giờ không có nhà ở cứ xây ở tạm, chừng nào nhà nước lấy họ trả lại”.
Trong 2 năm 2019, 2020, tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định phát hiện 22 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất trong Khu Kinh tế Nhơn Hội do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định quản lý. Nhiều trường hợp đã bị xử lý nhưng tiếp tục tái phạm. Mới đây, chính quyền thị trấn Cát Tiến đã vận động tháo dỡ xong 8 công trình trái phép, tiếp tục vận động người dân tháo dỡ 14 công trình trái phép.
Ông Trần Đình Trực, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, huyện Phù Cát thừa nhận việc xử lý sai phạm về đất đai rất lúng túng: “Tình hình đất đai hết sức phức tạp, điều kiện tháo gỡ phải đủ tính pháp lý cho nên quá trình xây dựng hồ sơ, xác định nguồn gốc đất cũng phức tạp, kéo dài. Bây giờ, những cái cũ chưa nói chứ những cái mới phát sinh tập trung ngăn chặn và tháo dỡ ngay. Tiếp tục kiểm tra phát hiện làm ngay chứ không để. Tập trung nhất là phải tháo dỡ, đảm bảo tiến độ các dự án kịp thời theo tiến độ của tỉnh”.
Từ năm 2018 đến nay, khi các dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động, nhất là các dự án du lịch, dịch vụ và bất động sản, tình trạng mua, bán, lấn, chiếm và xây dựng trái phép tại đây diễn ra ngày càng phức tạp. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã phối hợp các địa phương vận động và cưỡng chế tháo dỡ 95 trường hợp vi phạm. Hiện 53 trường hợp vi phạm ở các xã Cát Chánh, Cát Tiến, huyện Phù Cát; xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước; xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Nguyên nhân chính là công tác quản lý đất đai, xây dựng của các địa phương còn lỏng lẻo, xử lý thiếu kiên quyết, việc phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định với các địa phương cũng chưa chặt chẽ.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho rằng: “Ưu tiên cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép thuộc các dự án mà hiện nay đang có nhà đầu tư và sắp đến kêu gọi nhà đầu tư để phục vụ việc triển khai, đưa ra đấu thầu, đấu giá các dự án trên khu kinh tế thuận lợi. Đối với các trường hợp lấn chiếm nằm xen kẽ trong khu dân cư thì cần giao trách nhiệm cho địa phương rà soát từng trường hợp để xử lý cụ thể”.
Tại phiên họp cuối năm 2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần có giải pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất đai, cất nhà trái phép. Cùng với việc tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục xử lý việc lấn chiếm đất đai, một số địa phương đã buộc tháo dỡ, xử lý rất nhiều trường hợp lấn chiếm nhưng còn không ít địa phương thiếu quyết liệt, chậm xử lý. Từ đó, xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định khẳng định: “Đối với UBND cấp huyện và cấp xã, chúng tôi cũng đề nghị cần vào cuộc quyết liệt hơn. Tăng cường công tác kiểm tra vào các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ. Đặc biệt, các trường hợp lợi dụng ban đêm để xây dựng trái phép, cương quyết xử lý. Khi phát hiện những trường hợp xây dựng lớn cần vào cuộc tháo dỡ ngay. Cần tránh trường hợp buông lỏng để xây dựng rồi mới xử lý thì sẽ rất phức tạp”./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/lung-tung-trong-xu-ly-cac-cong-trinh-xay-dung-trai-phep-460500.html