Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ mang tới một cú huých cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bù đắp mức tăng trưởng yếu ớt ở châu Âu và nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, không giống như vào năm 2009, khi gói kích cầu 4.000 tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc giúp vực dậy nền kinh tế thế giới sau cú sốc khủng hoảng tài chính, câu chuyện năm 2023 rất có thể sẽ bao gồm cả xuất khẩu lạm phát từ Trung Quốc đúng vào lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang xoay sở để khống chế sự leo thang của giá cả.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từng nói rằng việc Trung Quốc xoay trục khỏi chính sách Zero Covid có lẽ sẽ là nhân tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, nhưng cũng không quên cảnh báo về những rủi ro lạm phát đi kèm. “Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin tích cực về sự tăng tốc của kinh tế Trung Quốc dẫn tới việc giá dầu và khí đốt tăng mạnh trở lại, gây sức ép lạm phát?”, bà Georgieva phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos.
Theo dự báo của Bloomberg Economics, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ nhảy từ 3% trong năm 2022 lên 5,8% trong năm 2023. Phương pháp mô hình hóa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giá năng lượng và lạm phát toàn cầu cho thấy sự tăng tốc như vậy của nền kinh tế Trung Quốc có thể đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng toàn cầu đến quý 4/2023 đội thêm gần tròn 1 điểm phần trăm. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng vượt trội hơn thế, chẳng hạn tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%, đóng góp vào lạm phát toàn cầu có thể tăng lên gần 2 điểm phần trăm.
Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cách đây vài tháng còn tăng tới 9,1% ở Mỹ và 10,6% ở khu vực Eurozone, mức đóng góp như vậy của Trung Quốc vào lạm phát toàn cầu có vẻ không phải là chuyện lớn. Nhưng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang ra sức kéo lạm phát về mục tiêu 2%, việc Trung Quốc mở cửa trở lại kéo theo lạm phát tăng là một vấn đề không nhỏ. Nếu sự khởi sắc của Trung Quốc làm cho lạm phát ở Mỹ dai dẳng ở mức khoảng 5% trong quý 2 năm nay, như cảnh báo từ mô hình của Bloomberg Economics, điều đó sẽ dập tắt những tia hy vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 5.
Đối với phần còn lại của thế giới, điểm khác biệt giữa sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc do đóng cửa và sự bùng nổ của nền kinh tế nước này khi mở cửa trở lại là 500 tỷ USD nhu cầu - tương đương với việc bổ sung thêm sức mua của một quốc gia như Nigeria vào nền kinh tế toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu đó đã bắt đầu đẩy giá hàng hóa cơ bản gia tăng, trong khi các ngành dịch và bán lẻ ở nhiều quốc gia đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại của du khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng đi kèm với những nhân tố khó đoán biết. Chẳng hạn, hiện chưa rõ Trung Quốc có nhu cầu bị dồn nén trong đại dịch lớn như ở các nền kinh tế lớn khác, xét tới việc Chính phủ Trung Quốc triển khai không nhiều các biện pháp kích cầu trong đại dịch. Bên cạnh đó còn có những biến số khác ảnh hưởng tới tình hình lạm phát toàn cầu, từ trần giá mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp lên dầu Nga, các quyết định về sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), cho tới lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ. Những yếu tố này đều có thể có tác dụng giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với giá cả trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế gần đây cho thấy sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc đã chấm dứt và làn sóng lây nhiễm Covid ở nước này sau khi kết thúc Zero Covid đã giảm xuống. Bloomberg nhận định rằng đến cuối quý 1 năm nay, với tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên tăng lên, Trung Quốc sẽ đủ vững vàng và thích nghi để “sống chung với Covid”. Khi đó, những cuộc phong tỏa do bùng dịch sẽ không còn và nỗi sợ lây nhiễm sẽ không còn là trở ngại đối với nền kinh tế.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ Trung Quốc triển khai đối với ngành bất động sản và công nghệ - hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước này - mang tới thêm lý do để lạc quan.
Trong năm 2022, cuộc khủng hoảng trầm trọng trên thị trường bất động sản Trung Quốc khiến doanh số bán nhà ở nước này giảm 24% và đầu tư xây dựng bất động sản giảm 10%. Giờ đây, dòng vốn tín dụng đối với các công ty phát triển địa ốc và người mua nhà ở Trung Quốc đang tăng trở lại nhờ Bắc Kinh đặt trọng tâm vào phục hồi tăng trưởng. Ít nhất trong năm nay, triển vọng của ngành địa ốc Trung Quốc cũng sáng lên, ngay cả khi triển vọng dài hạn của lĩnh vực với nguồn cung dư thừa và vay nợ quá nhiều này vẫn còn ảm đạm. Bloomberg Economics dự báo đầu tư phát triển bất động sản ở Trung Quốc giảm 3% trong năm nay, ít hơn mức giảm của năm ngoái.
Ở lĩnh vực công nghệ, “gọng kìm” kiểm soát đối với các doanh nghiệp và doanh nhân “cỡ bự” của Trung Quốc đã được nới lỏng. Chiến dịch siết kiểm soát đối với ngành công nghệ bắt đầu vào cuối năm 2020, với sự kiện vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khổng lồ của Ant Group bị đình chỉ vào phút chót. Đến tháng 10/2022, chỉ số Nasdaq Golden Dragon Index của cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm khoảng 80% so với đỉnh.
Những chuyển biến như vậy là lý do vì sao triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc bất ngờ sáng lên, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới buộc phải đặt câu hỏi điều này có ý nghĩa như thế nào đối với lạm phát.
Hôm 13/1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang-yong nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đẩy giá dầu tăng. Trong một bài phát biểu hôm 19/1, Phó chủ tịch Fed Lael Brainard đề cập đến những bấp bênh mà việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đặt ra với lạm phát, nhất là với giá hàng hoá cơ bản. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự khi phát biểu tại WEF.
Những mối lo này là có cơ sở. Thứ nhất, có nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung khi làn sóng Covid-19 ở Trung Quốc dẫn tới lượng lớn công nhân phải nghỉ việc và các nhà máy chật vật duy trì hoạt động. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc cho thấy vào cuối năm 2022, thời gian giao hàng của các nhà máy ở nước này bị chậm lại rất nhiều. Nếu rủi ro này lặp lại, cho dù với quy mô nhỏ hơn, hệ quả sẽ là những nút thắt chuỗi cung ứng xuất hiện trở lại, đẩy lạm phát lên cao.
Thứ hai, một cú sốc bùng nổ nhu cầu khi cuộc sống bình thường trở lại và hoạt động mua sắm gia tăng. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã đi ngang trong thời gian đại dịch, nhưng kỳ vọng về sự khởi sắc của nhu cầu dầu của nước này đã góp phần đẩy giá dầu thế giới từ mức 76 USD/thùng vào đầu tháng 12/2022 lên ngưỡng 85-86 USD/thùng gần đây.
Nhìn chung, những cú sốc này có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng thêm gần 1 điểm phần trăm vào cuối năm nay như mô hình của Bloomberg Economics đã xác định, nếu so với kịch bản Trung Quốc vẫn đóng cửa. Đối với Mỹ, khu vực Eurozone, phân tích của Bloomberg Economics cho rằng mức lạm phát tăng thêm sẽ là 0,7 điểm phần trăm, ít hơn so với ảnh hưởng toàn cầu nhưng vẫn đủ để khiến Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giữ chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn so với những gì thị trường đang kỳ vọng.
Có thể nói, vẫn còn nhiều điểm khó lường liên quan đến sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng như các lực lượng khác có ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu, nhưng hướng đi đã rõ. Trong những ngày đen tối của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, gói kích cầu khổng lồ của Trung Quốc là một nhân tố hoàn tích cực đối với phần còn lại của thế giới. Năm nay, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc hứa hẹn sẽ mang đến cả những ảnh hưởng có lợi và bất lợi - Bloomberg nhận định.
Link nội dung: https://biztoday.vn/trung-quoc-tai-mo-cua-cu-huych-ca-ve-tang-truong-va-lam-phat-460635.html