Ngành đồ uống ở Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng bán lẻ trong năm 2022 nhờ hưởng lợi từ mức nền thấp trong thời kỳ dịch COVID-19. Thậm chí, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống ngay cả khi lãi suất tăng.
Thống kê doanh số bán lẻ hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 cho thấy mức tăng trưởng cao hơn trước đại dịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam duy trì ở mức tích cực so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận, đa phần các doanh nghiệp ngành bia đều ghi nhận mức doanh thu quý IV cao hơn cùng kỳ như Sabeco tăng 11%, Habeco tăng 26%, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi tăng 41%, Bia Hà Nội - Thanh Hóa tăng 51%.
Sabeco vẫn giữ vị trí “ông lớn” trong ngành bia Việt Nam với doanh thu đạt 10.029 tỷ đồng trong quý IV/2022. Con số này gần gấp đôi tổng doanh thu các doanh nghiệp trong ngành cộng lại. Đứng thứ hai là Habeco với ghi nhận 2.468 tỷ đồng doanh thu.
Cả 2 doanh nghiệp lớn ngành bia là Sabeco và Habeco đều về đích mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, Sabeco vượt 25% mục tiêu lợi nhuận, đây là mức lãi cao nhất từ trước đến nay còn Habeco thì vượt 138% kế hoạch lợi nhuận.
Sang năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu sẽ tái cấu trúc danh mục thương hiệu và sản phẩm để nâng cao thị phần tại các khu vực thị trường thông qua việc củng cố và bảo vệ thị trường miền Bắc, tăng trưởng tại khu vực Bắc Trung Bộ và từng bước phát triển tại thị trường miền Nam.
Công ty kỳ vọng mức tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là 525 triệu lít, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2022. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 12.177 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 335 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 4.552 tỷ đồng.
Đánh giá về ngành bia, SSI Research dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia sẽ quay về mức bình thường (tức là tăng trưởng một con số) trong năm 2023, ổn định sau mức cơ sở cao của năm 2022.
Không những thế, nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Vì tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
Mặc dù vậy, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi vẫn kỳ vọng du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, điều này có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng trong nước.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nganh-bia-tro-ve-nguong-truoc-dai-dich-460827.html