SSi Research vừa có báo cáo phân tích về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023.
Tại báo cáo này, SSi Research nhận định Việt Nam đã có một năm 2022 với kết quả tương đối thành công, nhờ đóng góp lớn từ nhu cầu nội địa, dòng vốn FDI và hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đà phục hồi đã có tín hiệu chậm dần vào nửa cuối năm 2022, với những rủi ro đến từ nội tại nền kinh tế và thế giới.
SSi Research kỳ vọng tăng trưởng GDP trong năm 2023 vào khoảng 6 - 6,2%. Trong đó, Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng (thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và chương trình hồi phục, phát triển kinh tế 2022-2023); Ngân hàng Nhà nước với chính sách tiền tệ linh hoạt hơn so với năm 2022.
Kịch bản tích cực: Nền kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm, Chiến tranh Nga - Ukraine kết thúc trong năm 2023, Trung Quốc hủy bỏ hoàn toàn chính sách Zero COVID. Trong nước, chính sách mở rộng tài khóa được sử dụng hiệu quả trong 2023.
Kịch bản cơ sở: Nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng (nhưng không phải suy thoái kéo dài). Mặc dù các bất ổn địa chính trị có thể lắng dịu, chiến tranh Nga - Ukraine có thể vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức. Trung Quốc hủy bỏ hoàn toàn chính sách Zero COVID. Trong nước, chính sách tài khóa và gói hỗ trợ được giải ngân tương đối tốt.
Kịch bản kém khả quan: Nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng và suy thoái kéo dài hơn. Bất ổn địa chính trị nghiêm trọng và cần nhiều thời gian hơn để giải quyết. Trong nước, các khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2023.
Theo SSI, năm 2023, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa nhờ cơ cấu nợ công vẫn đang được kiểm soát ở mức hợp lý (ước tính nợ công trong năm 2023 đạt 45% GDP, thấp hơn mức trần 60% của Chính phủ).
Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế vẫn là điểm khác biệt của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, nếu phần lớn gói này chưa được giải ngân.
Trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đã được thông qua với ước tính vào khoảng 726 nghìn tỉ đồng - mức lớn nhất từ trước đến này và tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía đông (giai đoạn 2), các dự án vành đai ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, không phải các vấn đề liên quan đến chậm giải ngân đã được giải quyết.
Việc Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chắc chắn tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam, ví dụ đối với ngành xuất khẩu, du lịch.
Trong nửa cuối năm 2023, có rất nhiều câu hỏi đặt ra để quyết định chiều hướng của thị trường: Nếu tiêu dùng yếu đi, thì yếu đến mức nào? Liệu suy thoái toàn cầu có sớm kết thúc? Khi lãi suất giảm thì mức giảm có mạnh không? Nỗ lực phòng chống tham nhũng sẽ có tiến triển như thế nào? Nghị định 65 sửa đổi sẽ được triển khai hiệu quả và thực tế hay không?
Trong kịch bản tích cực, mặc dù các dữ liệu vĩ mô có vẻ vẫn yếu, nhưng thị trường có thể đã bỏ qua các yếu tố này và hướng đến kỳ vọng cho sự phục hồi vào năm 2024. Tuy nhiên, cần thận trọng và không nên bỏ qua tác động của các yếu tố có độ trễ, như lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan hoặc dòng vốn FDI yếu đi, vì những yếu tố này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2023.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ba-kich-ban-cho-kinh-te-viet-nam-2023-tang-truong-gdp-trong-khoang-6-62-461087.html