'Đầu tàu' TP.HCM đối mặt với nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm, dự báo một năm khó khăn

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, giá trị xuất khẩu giảm, số công ty tạm ngưng hoạt động tăng trong tháng đầu năm. Giới doanh nghiệp đánh giá, 2023 là năm kinh tế khó khăn.

Khó khăn ngay từ đầu năm

Theo dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 của UBND TP.HCM, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn là 2.536 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký mới xấp xỉ 18.000 tỷ đồng, giảm 7,07% về số lượng và giảm hơn 38% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, thành phố lại có 10.255 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 21,05% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng giảm 31,82% (với 3.235 doanh nghiệp).

Trong khi đó, số liệu của Cục Thống kế TP.HCM cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 21,36% so với tháng trước và giảm 14,96% so với cùng kỳ. Đồng thời, chỉ số tồn kho tăng 6,6%.

san-xuat-cong-nghiep-1675822675.jpg Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2023. (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM)

Địa phương đánh giá, Tết cổ truyền rơi vào tháng 1/2023 nên thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tháng đầu năm ít hơn so với tháng 12/2022 và cùng kỳ. Từ đó, IIP giảm; doanh thu kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng đều giảm khi các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để nghỉ Tết Nguyên đán từ 7-10 ngày.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang không có đơn hàng và đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, tình trạng này có thể kéo dài đến giữa năm; doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ,... phần nào phản ánh, cảnh báo những khó khăn trong quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2023.

Còn theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 của cả nước ước đạt 25,08 tỷ USD, cũng giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, hồi tháng 1/2023, VNDirect dẫn thông tin từ Fitch (đơn vị xếp hạng tín dụng toàn cầu), tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đạt 2,5% năm 2022 trước khi dự giảm xuống còn 0,9% vào năm 2023 do suy thoái toàn cầu. Đối với Mỹ và EU, đối tác thương mại lớn của Việt Nam, việc tăng lãi suất của Fed sẽ ngày càng ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm, chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2023. Việc mở cửa trở lại và phục hồi nhu cầu trong nước của nền kinh tế Trung Quốc khó bù đắp được nhu cầu tiêu dùng yếu ở Mỹ và EU năm tới.

Do sự sụt giảm mạnh hơn dự kiến các đơn đặt hàng mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm, VNDirect dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 chỉ ở mức 5% (năm 2022 tăng trưởng 9,5% so với năm 2021).

xuat-khau-1675822743.jpg Nguồn: Cục Hải quan và Cục Thống kê TP.HCM

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, dự báo, ngành dệt may khó khăn trong quý I,II, phục hồi dần từ quý III/2023. Thị trường EU khó khả quan trong hai quý đầu năm, còn thị trường Mỹ có thể cải thiện từ quý II/2023. Tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay một số nước ASEAN, doanh nghiệp có thể đưa hàng vào nhưng giá bán lại thấp hơn so với các nước Âu, Mỹ. 

Cũng theo ông Việt, về lâu dài, ngân hàng cần có chính sách hợp lý, cho doanh nghiệp vay mua thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất, nếu không, giới doanh nghiệp dệt may Việt sẽ tụt hậu và không thể cạnh tranh với các nước bạn.

CEO của Meet More Coffee, ông Nguyễn Ngọc Luận cho hay, một số chính sách ban hành đang có phần bị chậm hơn so với thực tế, chưa phân loại được nhóm doanh nghiệp hưởng thụ, doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận; mặt khác, lãi suất trong nước cao, lạm phát xảy ra ở các thị trường nhập khẩu, ảnh hưởng tới đơn hàng xuất đi của các doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho rằng, lượng người đi mua sắm năm qua đã tăng dần, song tần suất mua sắm giảm, người mua hàng sau 20h tối không được như trước dịch Covid-19. Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đầu tư, nhưng Aeon đang gặp trở ngại khi phát triển các trung tâm mua sắm ở khu vực ngoại thành. Lý do, cơ sở hạ tầng tại các khu vực trên chưa phát triển hoặc phát triển chậm. Cùng với đó, năng lực của đơn vị cung cấp hàng hóa trong nước chưa đồng đều.

Trao đổi với PV. VietNamNet, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, nhận định, các doanh nghiệp lâu nay tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động bậc thấp. Hình ảnh công nhân được cho về quê nghỉ Tết Nguyên đán sớm do thiếu đơn hàng ở một số tỉnh, là minh chứng. 

Theo ông Khương, công nhân lĩnh lương 5-7 triệu đồng/tháng, trả xong tiền nhà, sinh hoạt phí thì không còn đồng nào, ráo mồ hôi là hết tiền, không có tích lũy. Cơ quan quản lý cần chiến lược hướng tới đầu tư công nghệ, đào tạo nghề bài bản cho người lao động, chất xám tăng thì người lao động mới nhận được mức lương cao hơn. Thay vì khái niệm “quốc gia khởi nghiệp”, cần một quốc gia cung cấp nguồn nhân lực tốt, chưa cần ở mức hàn lâm mà là những người đáp ứng được sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở bậc cao hơn.

“Thu hút đầu tư bằng tiền đất rẻ, miễn thuế, chi phí nhân công thấp... những yếu tố này phải được đánh giá lại. Con số hay chỉ tiêu tăng trưởng là chưa đủ, cần những cái nhìn xa hơn cho phát triển kinh tế trong một thế giới đang biến đổi nhanh”, ông góp ý.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dau-tau-tphcm-doi-mat-voi-nhieu-chi-so-kinh-te-sut-giam-du-bao-mot-nam-kho-khan-461652.html