Trong đó có cả những sai phạm về quy hoạch, xây dựng, đấu thầu… Vậy vấn đề là trách nhiệm của chính quyền tỉnh Hà Nam sẽ được xử lý như thế nào?
Tài liệu của Báo GD&TĐ cho thấy, một trong những vi phạm liên quan đến việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Hà Nam trong giai đoạn từ năm 2012 - 2018 được chỉ ra đó là việc để các dự án BĐS “băm nát” quy hoạch.
Trong một loạt dự án bị Thanh tra Chính phủ nêu tên có Dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT Đồng Văn Xanh do Công ty Cổ phần hạ tầng Nam Sơn làm chủ đầu tư. Dự án này có nhiều tồn tại, vi phạm.
KĐT Đồng Văn Xanh được chia thành các khu chức năng bao gồm: Khu biệt thự, nhà liền kề, nhà ở xã hội, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị… được thiết kế đồng bộ trên diện tích hơn 57 ha. Dự án được xem như một điểm sáng thúc đẩy sự phát triển của thị xã Duy Tiên nói riêng và của tỉnh Hà Nam nói chung.
Kỳ vọng là vậy nhưng quá trình triển khai thực tế, dự án lại tồn tại nhiều sai phạm của cả chủ đầu tư cũng như UBND tỉnh Hà Nam. Cụ thể, theo tài liệu, Dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT Đồng Văn Xanh được UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND năm 2016 xác định tiền sử dụng đất cho toàn bộ 4 đợt giao đất.
Trong đó, việc tỉnh Hà Nam xác định tiền sử dụng đất tại thời điểm năm 2016 được cho là không đúng quy định về thời điểm xác định giá đất và vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
Đến năm 2018, ông Trương Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, có Văn bản số 727/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chia lô từ đất ở biệt thự, đất thương mại dịch vụ sang đất ở liền kề, đất nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về các loại hình đất ở cho lực lượng người lao động.
Việc điều chỉnh này được xác định có một số chỉ tiêu chưa phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt tại Quyết định số 961/QĐ-UBND năm 2010 về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao và chức năng ô đất. Điều này được xác định không đúng quy định của Luật Xây dựng 2014 và Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Không những thế, tỉnh Hà Nam cũng xác định tiền sử dụng đất đối với dự án này. Sau khi loại bỏ khoản VAT không đúng quy định, số tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung tạm tính tại dự án là hơn 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo tài liệu của Báo GD&TĐ có được, tại dự án này có đến 215 trường hợp xây dựng nhà không phép, 27 trường hợp xây dựng không đúng giấy phép được cấp. Một số hộ xây nhà ghép trên nhiều lô đất không đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt. Việc này đã vi phạm Luật Xây dựng 2014.
Ngoài dự án trên, Dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT mới River Silk City do Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư cũng có 59 trường hợp xây dựng không phép. Trong số này, có 5 trường hợp xây nhà ghép trên nhiều lô đất không đúng quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.
Bên cạnh đó là những sai phạm góp phần làm phá vỡ quy hoạch đô thị của tỉnh Hà Nam cũng được chỉ ra tại Dự án Tổ hợp Khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ để bán, cho thuê Mường Thanh do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.
Ngoài những sai phạm đã được chỉ ra ở trên, UBND tỉnh Hà Nam còn có vi phạm trong việc giao đất không thông qua đấu thầu tại nhiều dự án. Cụ thể, cơ quan chức năng chỉ ra rằng có đến 9 dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở hỗn hợp được tỉnh Hà Nam lựa chọn chủ đầu tư theo phương thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai theo quy định.
Tại các quyết định của UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chỉ phê duyệt phần hạ tầng kỹ thuật, không có hạng mục hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác. Việc này được đánh giá là không đúng với Nghị định số 02/2006/NĐ-CP.
Một ví dụ điển hình cho việc tỉnh Hà Nam giao đất không qua đấu giá là Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp (phường Liêm Chính, TP Phủ Lý). Tại dự án này, UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận cho Công ty TNHH Thắng Lợi - Thanh Liêm làm chủ đầu tư vào tháng 6/2016 và giao hơn 6.000 m2 đất cho đơn vị này mà không qua đấu giá, vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013.
Ngoài ra, cũng tại dự án này, việc tỉnh Hà Nam chấp thuận phương án điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án vào tháng 9/2016 và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vào tháng 11/2016 để bổ sung hạng mục nhà ở thương mại (shophouse) là chưa phù hợp với quy hoạch chung TP Phủ Lý đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt vào tháng 6/2016.
Cụ thể hơn, diện tích đất được tỉnh Hà Nam điều chỉnh để bổ sung hạng mục nhà ở thương mại là đất công trình công cộng, dịch vụ, thương mại và không có chức năng đất ở. Cơ quan chức năng cho rằng, điều đó đã vi phạm vào Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Nghị định 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến những sai phạm trên, cơ quan chức năng xác định trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Hà Nam, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Hà Nam, các sở, ngành như KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, Tài chính, Công Thương, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, TP Phủ Lý và chủ đầu tư các dự án.
Link nội dung: https://biztoday.vn/loat-sai-pham-o-cac-du-an-lon-tai-ha-nam-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-461701.html