Ngân hàng Nhà nước không có văn bản về siết, thắt chặt tín dụng bất động sản
Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS). Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó khó khăn, vướng mắc về pháp lý là chủ yếu, vướng mắc về tín dụng chỉ là một trong các vướng mắc của thị trường BĐS.
Theo bà Hồng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã quan tâm và dành một lượng vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản, tỷ trọng tín dụng BĐS ở mức 21,2%, ba năm qua đều có sự tăng trưởng cao. Đây là sự cố gắng bởi ngoài BĐS, ngành Ngân hàng còn cung ứng vốn cho nhiều ngành nghề khác, vì vậy, cần cân đối hợp lý, hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cần cân nhắc thận trọng từ góc độ an toàn hệ thống và kiểm soát nợ xấu. Văn bản pháp lý liên quan đến BĐS rất nhiều, lại hay thay đổi, có những quy định có cách hiểu khác nhau, Hiệp hội BĐS cần xây dựng danh mục chung về cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc cấp tín dụng. Mặt khác, Bộ xây dựng cần làm rõ khái niệm đầu cơ BĐS để các tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn hơn trong việc cấp tín dụng.
Người đứng đầu ngành Ngân hàng khẳng định, thời gian qua, áp lực lớn đối với tín dụng từ ngân hàng không phải do điều hành tín dụng (NHNN không siết, không thắt chặt) mà do những khó khăn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt, ngân hàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phát triển BĐS nhưng chọn điều kiện phát hành dễ và không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi có sự cố xảy ra. Doanh nghiệp cần cơ cấu sản phẩm hợp lý, sử dụng vốn phù hợp, cân nhắc giảm giá BĐS để bán và có dòng tiền.
Trả lời về kiến nghị của doanh nghiệp không nên coi tín dụng BĐS có mức độ rủi ro cao hơn, bà Hồng cho rằng cần phân biệt việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực BĐS là kiểm soát rủi ro về kỳ hạn (tín dụng BĐS thường có thời hạn dài, số tiền lớn, trong khi huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nếu không kiểm soát tốt, gặp khó khăn chi trả khi người dân đến rút tiền). Các quy định liên quan đến hệ số rủi ro, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đều nhằm kiểm soát rủi ro đối với thanh khoản và khả năng chi trả của hệ thống.
"Chính vì vậy, NHNN không có văn bản về siết hoặc thắt chặt tín dụng BĐS, việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực BĐS hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các TCTD, chỉ có điều cấp tín dụng làm sao vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của chính TCTD và không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống", bà Hồng nhấn mạnh.
Dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý
Để thực hiện các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc yêu cầu các TCTD nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án BĐS đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Thực hiện các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng BĐS tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.
Chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án BĐS đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp BĐS hoạt động tốt, các dự án phát triển khu công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn tạm thời. Đối với các dự án hiện đang vướng mắc về thủ tục pháp lý không thuộc lĩnh vực ngân hàng thì đề nghị khách hàng chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Đồng thời, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp BĐS và người mua nhà.
Cùng với đó, Thống đốc yêu cầu các TCTD xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.
Nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp có trái phiếu BĐS phát hành đến hạn thanh toán, thực hiện đầu tư TPDN theo đúng quy định hiện hành của NHNN.
Đối với các đơn vị tại NHNN, Thống đốc yêu cầu tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh để có báo cáo, tham mưu Thống đốc các cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với diễn biến trên tình hình thị trường BĐS, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát chặt chẽ các TCTD có mức độ tập trung tín dụng cao vào BĐS có tính chất đầu cơ. Kiểm soát chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng cho vay dồn vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau của mình.
Đẩy mạnh, cơ cấu lại doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp vay vốn, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung, nếu kinh tế vĩ mô bất ổn định, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Khi kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, chắc chắn các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ phải điều chỉnh, trong một số trường hợp sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Ở các nước, doanh nghiệp thường có bộ phận thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, tổng hợp, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để không bị động. Ở Việt Nam, có trường hợp doanh nghiệp triển khai đồng thời trên 50 dự án cùng lúc, rất dàn trải nên khi khó khăn sẽ rất khó xử lý.
Theo Thống đốc, trong hoạt động kinh doanh, triển khai các dự án, doanh nghiệp phải chú trọng việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát, theo dõi dòng lưu chuyển tiền tệ để có giải pháp chủ động không để lâm vào tình trạng bị động, tắc nghẽn dòng tiền (tại Hội nghị cũng có ý kiến cho rằng có doanh nghiệp nhiều dự án, nhiều tài sản có giá trị lớn nhưng để chuyển hóa ra tiền cần thời gian, phụ thuộc vào người mua, thủ tục...). Đây là điểm rất quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng cần phải hết sức lưu ý.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, quản trị lại doanh nghiệp, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng. Nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn từ các nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/phan-dau-giam-lai-suat-cho-vay-doi-voi-nguoi-mua-nha-va-du-an-bat-dong-san-462212.html