Bao giờ doanh nghiệp nội địa được ‘ưu ái’ như doanh nghiệp FDI?

Song song việc mở rộng đầu tư của khối doanh nghiệp FDI (dù liên tục báo lỗ và được nhận nhiều ưu đãi về thuế phí, đất đai...) cũng cần thấy bức tranh tương phản từ tình cảnh teo tóp của các doanh nghiệp (DN) nội địa. Từ đó, các cơ quan quản lý và khâu chính sách nên có sự điều chỉnh nhằm mang lại sự bình đẳng giữa các DN với nhau và giúp tăng sức cạnh tranh cho khu vực tư nhân ở trong nước.

Theo nhận định từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KBSV, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tích cực giúp dòng vốn FDI giải ngân của Việt Nam trong năm nay sẽ ổn định tương đương năm 2022. 

Bức tranh tương phản

Giới phân tích đánh giá, Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI nhờ một trong những yếu tố thuận lợi là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Thậm chí có những dự báo cho rằng, trong năm 2023 dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có thể sẽ tăng 10-12% so với năm ngoái và vốn FDI giải ngân có thể sẽ tăng 6-8%. 

so-voi-nhung-chinh-sach-uu-dai-danh-cho-dn-fdi-thi-cac-dn-noi-dia-thuoc-khu-vuc-tu-nhan-dang-chiu-nhieu-thiet-thoi-va-ho-can-co-su-binh-dang-hon-1675912300.jpgSo với những chính sách ưu đãi dành cho DN FDI thì các DN nội địa thuộc khu vực tư nhân đang chịu nhiều thiệt thòi và họ cần có sự bình đẳng hơn.

Tuy nhiên, như lưu ý từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect thì sự cạnh tranh thu hút FDI giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ngày càng gay gắt. Chẳng hạn, như trong ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện, dường như Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác do không có chính sách thu hút rõ nét, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong tương lai.

Trong khi đó, hồi cuối tháng 12/2022, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2021. Trong đó cho biết tỷ trọng DN lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn DN báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020. 

Theo Bộ Tài chính, điều này cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các DN FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. 

Cụ thể, tỷ lệ DN FDI báo lỗ trong năm 2021 là 14.293 DN (chiếm 55% tổng số DN), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, chất lượng thu hút FDI đang có vấn đề.

Số DN FDI báo lỗ, DN lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Chính vì vậy, Bộ Tài chính có khuyến nghị cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Số liệu còn thể hiện số DN FDI lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 DN (chiếm 17% tổng số DN), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.

Cần lưu ý đây cũng là khu vực được nhận nhiều ưu đãi về thuế phí, đất đai. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, mặc dù thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông theo Luật TNDN là 20%, nhưng với ưu đãi miễn, giảm thì mức thuế suất của các DN FDI thường là 5-10%. Một số tập đoàn có dự án lớn mức thuế chỉ là 3-6%. Cho nên, nhiều DN FDI có lợi nhuận cao nhưng nộp thuế lại rất ít.

Thực ra, tình trạng “lỗ giả, lãi thật” của các DN FDI nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh đã được nhắc đến nhiều, trong khi việc thất thu ngân sách là điều thấy rõ. Nhưng, song song với việc mở rộng đầu tư của khối DN FDI, dù liên tục báo lỗ thì cũng cần thấy bức tranh tương phản từ tình cảnh teo tóp, khó khăn của các DN nội địa thuộc khu vực tư nhân.

Như số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, riêng trong tháng 1/2023 đã có 34.994 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022. Con số này gấp 3 lần so với con số DN thành lập mới trong tháng. Còn theo số liệu năm 2022, tính bình quân mỗi tháng cả nước có 11.900 DN rút lui khỏi thị trường.

Trả giá cho “sân chơi” thiếu bình đẳng?

Giới chuyên gia bày tỏ băn khoăn, tình trạng nhiều DN nội địa thuộc khu vực tư nhân phải đóng cửa chẳng khác nào như sự trả giá cho “sân chơi” thiếu bình đẳng khi khâu chính sách đã có nhiều “ưu ái” dành cho các DN FDI. 

Khi “sân chơi” với lợi thế nghiêng về các DN FDI, cùng với môi trường kinh doanh kém thuận lợi (như các quy định về kinh doanh, dịch vụ căn bản và cơ sở hạ tầng còn hạn chế) có thể sẽ tiếp tục làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các DN nội địa, bất kể quy mô. Vì thế, việc số các DN nội đóng cửa tăng lên là câu chuyện đã được dự báo trước.

Về tình hình chung, theo dự báo 6 tháng đầu năm 2023 thì hoạt động xuất khẩu của các DN cả nội địa và FDI đều chậm lại khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh do nhu cầu tại các thị trường chủ chốt giảm sút. Tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn, so với lợi thế ưu đãi về thuế phí, đất đai, tiềm lực tài chính của các DN FDI thì phần thiệt thòi của các DN nội địa khiến cho việc đối mặt với khó khăn càng trở nên nặng nề hơn.

Với các DN thuộc khu vực tư nhân, theo Ts. Lê Đăng Doanh, sau 2 năm hậu Covid-19, các DN nội địa đối mặt với nhiều khó khăn tài chính: Nợ lòng vòng trong khi lãi suất cho vay tăng cao. Ông Doanh cũng không quên đề cập đến điểm bất lợi thế cho các DN nội so với khối ngoại, đó là họ phải chịu cảnh thủ tục hành chính còn phiền hà, chồng chéo, chi phí về thời gian và tiền bạc khiến cho DN giảm năng lực cạnh tranh.

Ngay cả như trong vấn đề tạo thuận lợi thương mại, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, lưu ý để tăng tính cạnh tranh thì Việt Nam cần tiếp tục có những nỗ lực về tạo thuận lợi thương mại cho các DN nội địa thuộc khu vực tư nhân.

Kết quả phân tích dữ liệu cũng chỉ rõ 58,92% DN đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục. Theo ông Dordi, khi các cơ quan nhà nước phối hợp tốt với khu vực tư nhân thì sẽ giải quyết được những thách thức do các DN thuộc khu vực tư nhân gặp phải trong xuất nhập khẩu. 

Có thể nói, nhìn vào bức tranh tương phản của DN nội địa với DN FDI như hiện nay, ngoài bản thân các DN nội tự thân vận động, tự cứu lấy mình thì cần sự thay đổi về mặt chính sách để mang lại sự bình đẳng các ưu đãi giữa DN nội địa và DN FDI. Có như vậy mới có thể khôi phục lại điều kiện tăng trưởng cho DN nội địa khi mà những khó khăn còn chực chờ ở phía trước.

Nhất là cần phải có cơ chế chính sách tạo thị trường cho các DN nội địa. Họ cần phải được hỗ trợ để tham gia vào các khâu từ thấp lên cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Cần lưu ý, mặc dù Việt Nam hiện đã có các chương trình hỗ trợ các DN nội địa, nhất là các DN vừa và nhỏ, tuy nhiên các chương trình này có những thiếu sót làm hạn chế khả năng tăng cường cạnh tranh và thúc đẩy liên kết với DN FDI. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý cần suy ngẫm và sớm điều chỉnh.

Link nội dung: https://biztoday.vn/bao-gio-doanh-nghiep-noi-dia-duoc-uu-ai-nhu-doanh-nghiep-fdi-462245.html