Các tín hiệu về lãi suất cực đại từ các quan chức Fed ở thời điểm hiện tại là không rõ ràng. Trong cuộc họp chính sách mới nhất ngày 1/2/2023, Fed giảm tốc độ tăng lãi suất về 0,25 điểm phần trăm, nhưng nói sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến thị trường tài chính hưng phấn khi nhận định rằng “quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu”, nhưng đồng thời cân bằng lại kỳ vọng của nhà đầu tư bằng cách khẳng định lạm phát vẫn còn cao và đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của Fed là một cuộc chiến lâu dài. Quan điểm này được ông Powell nhắc lại tại một sự kiện Câu lạc bộ Kinh tế ở Washington DC vào ngày 7/2/2023
Trong cuộc thảo luận về lãi suất, nhiều người đồng tình với quan điểm cho rằng việc Fed sẽ dừng tăng lãi suất ở mức nào sẽ phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng của Fed về việc nền kinh tế sẽ giảm tốc tới mức nào trong năm nay: “Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là: ‘Liệu những hiệu ứng của việc tăng lãi suất có trở thành hiện thực đúng như kỳ vọng hay không? Những hiệu ứng đó có đến sớm hơn không, có ở cấp độ lớn hơn không?’”, giáo sư William English thuộc Trường Quản lý, Đại học Yale nhận định khi trao đổi với tờ Wall Street Journal.
Tổng mức tăng lãi suất của Fed trong chu kỳ này đã là 4,5%, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate – lãi suất điều hành của Mỹ) lên mức 4,5-4,75%. Đây là chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất của Fed kể từ đầu thập niên 1980, thời của Chủ tịch Paul Volcker. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Milton Friedman từng nói rằng sự tăng trưởng và lạm phát là những hiệu ứng có độ trễ “dài và nhiều biến thiên” của chính sách tiền tệ.
Nếu độ trễ là lâu, đúng như ông Friedman nhận định, những đợt tăng lãi suất quyết liệt của Fed đến nay mới chỉ bắt đầu có ảnh hưởng đến nền kinh tế và sẽ phát huy tác dụng gây suy giảm hoạt động kinh tế một cách thực sự trong năm nay. Như vậy, Fed sẽ không phải tăng lãi suất thêm nhiều nữa và sẽ không phải giữ lãi suất ở mức cực đại trong thời gian quá lâu.
Nhưng nếu độ trễ ngắn hơn, những đợt tăng lãi suất đã có thực chất đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và Fed có thể nhận thấy phải tăng lãi suất lên cao hơn nữa, hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ cho Fed có thời gian để nghiên cứu về hiệu ứng của các đợt tăng đã có.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng độ trễ là dài, với niềm tin như vậy, họ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay và trong năm 2024, vì mức lãi suất hiện nay đã đủ để gây ra một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ. Phản ánh kỳ vọng này, nhiều lãi suất do thị trường quyết định, bao gồm lãi suất cho vay thế chấp nhà, đã ngừng tăng hoặc thậm chí giảm cho dù Fed vẫn đang tăng lãi suất quỹ liên bang.
Nhưng các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng độ trễ là ngắn và nền kinh tế Mỹ đang chứng tỏ được khả năng trụ vững với lãi suất cao tốt hơn so với dự báo. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất còn tăng lên cao hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Đánh giá này của Goldman Sachs là có cơ sở nếu nhìn vào báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ. Trong tháng đầu năm, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ tạo được hơn nửa triệu việc làm mới, nhiều gấp 3 lần so với con số dự báo. Ngay sau khi báo cáo được công bố, các mức lãi suất Fed mà thị trường kỳ vọng đã tăng lên so với trước.
“Các nhà quan sát có chung mối lo là hiệu ứng có độ trễ của các đợt tăng lãi suất sẽ gây ra một cuộc suy thoái trong năm nay, nhưng mô hình của chúng tôi lại cho thấy điều ngược lại. Đó là hiệu ứng gây suy giảm kinh tế của chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ giảm đi nhiều trong năm 2023”, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của Goldman Sachs, ông David Mericle, nhận định.
Với quan điểm tương tự như Goldman Sachs, một số quan chức Fed cũng nói rằng các động thái lãi suất của ngân hàng trung ương này hiện nay có ảnh hưởng đến nền kinh tế nhanh hơn so với trước kia, vì Fed thời hiện đại có sự giao tiếp rõ ràng về chính sách hơn so với trước kia. Chẳng hạn, cách đây 30 năm, Fed không thông báo với công chúng về bất kỳ sự thay đổi nào trong mỗi cuộc họp chính sách tiền tệ.
“Thị trường khi đó phải đoán xem Fed đang làm gì. Trong thế giới như vậy, chính sách phải mất thời gian mới ảnh hưởng đến nền kinh tế”, Thống đốc Fed Christopher Waller nói. Ngày nay, Fed thậm chí còn phát tín hiệu sớm về những gì có thể diễn ra trong tương lai, nên “tôi cho rằng phần lớn hiệu ứng chính sách sẽ được phát huy ngay trong quý tiếp theo” - ông Waller nhận định.
Link nội dung: https://biztoday.vn/lai-suat-cua-fed-va-ky-vong-464514.html