Trong nghiên cứu mới nhất, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, phân tích ba vấn đề sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng 2023 của Việt Nam.
Thứ nhất, ông đánh giá giai đoạn bùng nổ sau Covid-19 của Việt Nam hiện đã kết thúc, và nhu cầu về các sản phẩm "Made in Vietnam" đang chậm lại đáng kể, cùng với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, sản xuất của Việt Nam đóng góp lớn cho kinh tế trong giai đoạn năm 2020 – 2021 nhờ nhu cầu của người tiêu dùng tại Mỹ và EU. Sản xuất đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2022, nhưng tăng trưởng đã đạt đỉnh vào giữa năm, và giảm dần trong suốt nửa cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ chậm lại đáng kể.
Đến cuối năm 2022, sản lượng, việc làm và đơn đặt hàng tại các nhà máy của Việt Nam đều giảm khá mạnh.
Hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ và các công ty tiêu dùng tại Mỹ như Nike và Lululemon được báo cáo đã tăng khoảng 20% trong năm 2022, dẫn đến việc các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm vào cuối năm 2022, và nhập khẩu hàng tiêu dùng ở Mỹ ghi nhận mức giảm kỷ lục 13% so với tháng trước đó 11/2022.
Trong tháng 12/2022, xuất khẩu của Việt Nam giảm 14% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu của cả Trung Quốc và Hàn Quốc cũng giảm khoảng 10% cùng kỳ.
VinaCapital kỳ vọng các đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, bởi các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU có thể mất ít nhất 6 tháng để giải quyết hàng tồn kho.
Ngoài ra, lượng giao dịch mua bán nhà tại Mỹ hiện đang giảm với tốc độ nhanh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (giảm với tốc độ kỷ lục: -35%/năm so với -31%/năm vào thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008). Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về đồ nội thất và các sản phẩm gia dụng khác được sản xuất tại Việt Nam.
Cuối cùng, tác động đến việc tăng lãi suất năm ngoái của FED và ECB sẽ tiếp tục làm chậm nền kinh tế Mỹ và châu Âu năm nay – hai nền kinh tế chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Vấn đề thứ hai đến từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự báo sẽ bù đắp sự sụt giảm nhu cầu đối với sản phẩm “Made in Vietnam”, ông Michael Kokalari nhận định.
VinaCapital kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023, và nếu vậy, sẽ tương đương lượng khách du lịch tăng thêm khoảng 20% vào năm 2023.
Dữ liệu phân tích thêm cho thấy rằng tăng trưởng liên tục của lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có thể sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% trong năm nay. Điều này sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất.
Cuối cùng, kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ tăng khoảng 50%, và điều này sẽ tăng chi tiêu từ 4% GDP vào năm 2022 lên 7% GDP vào năm 2023, giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn, ông Michael Kokalari nhận định.
Cơ sở hạ tầng mới là cần thiết để giúp đảm bảo dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam trong nhiều năm tới và các dự án cũng sẽ bù đắp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam khi hoạt động sản xuất chậm lại, ông nói thêm.
Link nội dung: https://biztoday.vn/3-yeu-to-tac-dong-toi-tang-truong-viet-nam-2023-465070.html