Theo quy định, trong vòng 21 ngày cân nhắc - kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia và được hoàn lại phí đã đóng, sau khi trừ chi phí hợp lý. Để tránh "đêm dài lắm mộng", hàng loạt chiêu đã được người bán tung ra.
Sắp tới một số khoản chi của bảo hiểm cho ngân hàng sẽ được khống chế. Mục đích là hạn chế lợi nhuận trả cho ngân hàng khi tham gia hoạt động bán bảo hiểm.
Bộ Tài chính
Cần tiền trả nợ, chị Hoa (đề nghị được đổi tên) cùng chồng tới Ngân hàng Quân đội (MB) chi nhánh Hà Nam vay 750 triệu đồng và dùng mảnh đất ở để thế chấp. Tuy nhiên để được ưu tiên giải ngân phải mua bảo hiểm nhân thọ có mức phí 15 triệu đồng/năm của Công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.
Sau khi tự tìm hiểu và biết người mua có 21 ngày cân nhắc, chị Hoa quyết định sẽ hủy hợp đồng bảo hiểm. Bất ngờ là ngay sau đó, chị bị đặt vấn đề: nếu hủy hợp đồng bảo hiểm thì phải tất toán khoản vay (trả nợ trong một lần) dù đã được giải ngân.
Phóng viên (ẩn danh) đi cùng khách hàng này tới ngân hàng trên để tìm hiểu. Tới nơi, chị Hoa gọi thì người đại lý bảo hiểm báo đã đi ra ngoài, có gì cần cứ gặp đại diện ngân hàng.
Thông qua điện thoại, người này nói nếu hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì phải: "Tất toán ạ, tất toán khoản vay. Vì khoản vay của anh chị được hỗ trợ dựa trên khách hàng tham gia sản phẩm bổ trợ của ngân hàng để ưu tiên giải ngân sớm".
Đặt vấn đề trong hợp đồng vay vốn không ghi nội dung bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ, đại lý bảo hiểm nói: "Em nói thật nhiều khi bọn em phát uất, phát khóc lên luôn. Chị biết bọn em bị áp lực với sếp như thế nào không, với ngân hàng như thế nào không" và đề nghị khách hàng vào gặp ông Tùng - được giới thiệu là trưởng phòng tín dụng của chi nhánh ngân hàng.
Khi chị Hoa trình bày kinh tế đang khó khăn, giờ tham gia bảo hiểm lại thêm một khoản nợ nữa, nên cảm thấy "rất mệt, quá sức", vẫn trong 21 ngày cân nhắc nên chị mới làm đơn hủy bảo hiểm, ông Tùng kiên quyết: lúc trước đã cho vợ chồng chị "quyền quyết định" không tham gia, đổi lại "anh chị có thể đợi giải ngân, có thể một vài ngày giải ngân hoặc sang năm giải ngân". Còn mua bảo hiểm là "điều kiện tiên quyết để ưu tiên giải ngân" khoản vay.
"Nếu anh chị cần hủy không tham gia được, yêu cầu tất toán khoản vay của bọn em. Quan trọng là bây giờ có rất nhiều khách hàng bọn em không giải ngân được do anh chị chiếm dụng của người ta thì bây giờ anh chị xử lý như thế nào?", ông Tùng lớn tiếng chất vấn.
"Thế là anh chị sai à?", khách hàng hỏi. Ông Tùng trả lời: "Vâng, chính xác. Em bảo luôn đấy là anh chị sai".
Mặc dù đã hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng không phải khách hàng nào cũng được yên.
Cùng khách hàng Linh (nhân vật đề nghị đổi tên) tới Vietinbank (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chúng tôi ghi nhận được cuộc trao đổi trực tiếp với ông Lê Quang Sang - phó giám đốc.
Ngồi đối diện ông Sang, khách hàng cho biết vì đã đặt cọc tiền mua đất nên trước đó có tới ngân hàng này để vay, sau đó bị đề nghị mua gói bảo hiểm 40 triệu đồng mới được nhận ưu đãi lãi suất và được giải ngân. "Vì tình hình quá cấp bách, sợ không được giải ngân nên chị chấp nhận mua bảo hiểm dù không có nhu cầu", chị Linh cho biết.
"Trong quá trình mua bảo hiểm, thời gian tư vấn chỉ diễn ra 30 phút tại quán cà phê chòi ngay chỗ lô đất", chị nói thêm.
Sau một thời gian, chị cảm thấy lấn cấn khi chưa nhận hợp đồng bảo hiểm. Liên hệ mới biết biên bản bàn giao hợp đồng đã được người đại lý nộp cho Manulife từ lâu, trong khi chị lại chưa từng thấy và chưa từng ký vào. Như vậy, chị không có đầy đủ 21 ngày để đọc hợp đồng và cân nhắc theo quy định.
"Tôi cảm thấy không hài lòng và cực kỳ tức giận", khách hàng bức xúc, đồng thời thẳng thắn khẳng định mình đã bị "lợi dụng thời điểm khó khăn" để mua bảo hiểm, còn bị giả chữ ký.
Dù sau đó được hủy hợp đồng bảo hiểm nhưng chị vẫn phải tới gặp đại diện Vietinbank để giải quyết vụ lãi suất.
Ông Lê Quang Sang cho biết đã làm việc "rất gay gắt" với đối tác Manulife và người đại lý bảo hiểm liên quan đã "không được cung cấp dịch vụ" tại ngân hàng.
Vì mua bảo hiểm của Manulife tại Vietinbank, nên khách hàng đặt vấn đề trách nhiệm của ngân hàng ở đâu khi đại lý bảo hiểm giả chữ ký. Ông Sang trả lời: "Không biết Vietinbank chịu trách nhiệm gì, tại vì việc này chưa xảy ra rủi ro cũng như thiệt hại về tài chính".
Đáng chú ý, ông Sang cho biết nếu vẫn muốn nhận lãi suất ưu đãi, khách hàng không nhất thiết mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng cần chọn cái khác thay thế như: sản phẩm tiền gửi kỳ hạn, sản phẩm tài trợ thương mại, tài khoản số đẹp...
Nếu khách hàng kiên quyết không mua bảo hiểm cũng không sử dụng dịch vụ khác như đã đề nghị, ông Sang "xin phép" tăng lãi vay là 11,5%.
Thủ tục vay vốn đã hoàn tất từ lâu, giờ đột ngột bị đề nghị cắt lãi suất ưu đãi do hủy hợp đồng bảo hiểm và không có nhu cầu dùng sản phẩm khác của ngân hàng, chị chất vấn ông Sang căn cứ vào đâu để hành động như vậy. Câu trả lời được đưa ra là căn cứ vào các... tư vấn ban đầu.
Sau khi đề nghị gửi văn bản chính thức qua mail, nêu rõ các căn cứ tăng lãi vay, ông Sang đồng ý và hứa sẽ "viện dẫn điều nào khoản nào".
Với cách giải quyết cứng rắn, cuộc trao đổi kết thúc, khách hàng về chờ nhưng ông Sang không gửi văn bản như đã nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù trong "hợp đồng cho vay" không thỏa thuận "bán bia kèm lạc", tuy nhiên vợ chồng khách hàng này đã ký kết với phía ngân hàng một "giấy nhận nợ". Cụ thể, trong "giấy nhận nợ" có ghi: lãi suất cho vay ưu đãi tại ngày nhận nợ là 9,5%/năm, theo chương trình "Vay ưu đãi, lãi tri ân", áp dụng trong vòng một năm, kéo dài đến 11-5-2023 hoặc đến khi có thông báo mới của bên cho vay.
Đáng chú ý, bên cạnh các điều kiện tham gia chương trình như bên vay xếp hạng tín dụng A trở lên tại kỳ chấm điểm gần nhất so với thời điểm giải ngân, còn có điều kiện: bên vay sử dụng tối thiểu bốn sản phẩm dịch vụ khác ngoài sản phẩm cho vay của Vietinbank, bao gồm: tài khoản thanh toán, bảo hiểm VBI/Manulife (với số phí tối thiểu 40 triệu đồng), IPAY, thẻ tín dụng quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất một loạt nội dung rất chặt chẽ tại dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, ngăn chặn việc ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, tới đây các ngân hàng phải ghi âm và lưu ít nhất trong năm năm toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Đây là chứng cứ để xem xét nhân viên đại lý bảo hiểm tư vấn cho khách hàng có đúng, đầy đủ hay không.
Mặt khác, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, sắp tới một số khoản chi của bảo hiểm cho ngân hàng cũng sẽ được khống chế. Mục đích là hạn chế lợi nhuận trả cho ngân hàng khi tham gia hoạt động bán bảo hiểm.
L.THANH
Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, đã có quy định cấm đại lý bảo hiểm thực hiện hành vi làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của khách hàng và cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, mục 6 điều 47 điểm 4 thông tư 124/2012 của Bộ Tài chính quy định: đại lý bảo hiểm (một số ngân hàng có hoạt động đại lý bảo hiểm, được hưởng hoa hồng) không được khuyến mãi khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp như hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không cung cấp cho khách hàng.
Báo Tuổi Trẻ tiếp nhận phản ảnh bị "ép" mua bảo hiểm tại ngân hàng
Bạn đọc muốn phản ảnh từng bị "ép" mua bảo hiểm khi vay tại ngân hàng có thể gửi thông tin cùng bằng chứng về sự việc tới địa chỉ email: bandoc@tuoitre.com.vn, hoặc gửi tới ban bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Chúng tôi sẽ xem xét để có thể xử lý thông tin.
Trong hồ sơ xin gửi kèm số điện thoại để chúng tôi liên lạc khi cần thiết.
TUỔI TRẺ
Vào cuối năm 2022, chị Giang tìm đến trung tâm phục vụ khách hàng Prudential Plaza (quận 8, TP.HCM) với mong muốn gặp lãnh đạo cấp cao giải quyết sự việc.
"Tôi muốn hủy hợp đồng", chị Giang nói thẳng nguyện vọng với ông Trương Quốc Tuấn (quản lý kinh doanh) tại khu vực tiếp khách.
Chị Giang cho hay ngày 4-3-2022 mới nhận được hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (bản giấy). Sau quá trình hỏi han, chị biết mình có 21 ngày cân nhắc. Đến ngày 23-3, chị lên văn phòng Prudential (quận 3) để hủy hợp đồng, nhưng bị từ chối với lý do đã quá hạn một ngày. Trong khi đó, tính từ ngày nhận hợp đồng giấy, chị vẫn còn trong thời gian cân nhắc.
Nghi đại lý bảo hiểm đã lén tự ý kích hoạt tài khoản online và nhận bộ hợp đồng online trước khi chị nhận bản giấy, chị Giang giả vờ nhắn tin hỏi và được người đại lý gửi cho tên đăng nhập và mật khẩu vào PruOnline (tài khoản này thuộc quyền sở hữu của cá nhân khách hàng, không liên quan đến đại lý bảo hiểm).
Nắm được nguyện vọng của khách, ông Trương Quốc Tuấn xin phép đi kiểm tra thông tin. Một lúc sau quay lại và nói: "Xử lý chưa xong, ráng đợi thêm". Đồng thời hứa sẽ gửi mail thúc các bộ phận liên quan.
"Bây giờ tôi không muốn đợi nữa, tôi làm tới", chị Giang lớn tiếng bức xúc khi đã chờ nhiều tháng ròng, không thể tới tận nơi mà chỉ nhận thêm chữ "chờ", đề nghị được gặp cấp cao là bà Hồ Thị Thu Ba - quản lý bộ phận giải quyết khiếu nại và nâng cao trải nghiệm khách hàng của Prudential.
Khi chị Giang nói lớn tiếng, các nhân viên bảo vệ lập tức xuất hiện. Sau đó người bên công ty bảo hiểm dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ có lắp camera lớn và ngồi chờ. Bà Thu Ba và một nhân viên tới, đề nghị một mình chị Giang ngồi lại, tất cả người đi cùng chị phải ra ngoài.
Chị Giang đã trình bày: vào tháng 2-2022 có đến Ngân hàng làm thủ tục vay tiền mua đất (2,7 tỉ đồng). Sau đó, được đề nghị muốn giải ngân khoản vay phải mua hợp đồng bảo hiểm khoảng 30 triệu đồng/năm, chị đồng ý. Tuy nhiên, lúc thủ tục giải ngân sắp hoàn tất, chị lại bị nhận đề nghị phải mua gói bảo hiểm hơn 150 triệu đồng/năm mới "phù hợp" với khoản vay. Sợ không vay được sẽ mất 300 triệu tiền cọc mua đất, nên chị đồng ý.
"Từ đầu tới cuối nói tham gia 30-36 triệu, tại sao không bán?", chị chất vấn. Chị cũng nghiêm túc đặt vấn đề về việc đại lý bảo hiểm đã lén tự ý kích hoạt tài khoản online và nhận bộ hợp đồng online trước khi chị nhận bản giấy.
Bà Thu Ba chia sẻ một số ý kiến rồi hướng dẫn điền vào phiếu yêu cầu để được hủy hợp đồng bảo hiểm.
Để được hoàn tiền, chị Giang đồng ý ghi lý do như sau: "Thực tế tôi chưa an tâm tham gia hai hợp đồng bảo hiểm này. Tuy nhiên do ở xa văn phòng công ty và không sắp xếp được thời gian, nên đã phản ánh và yêu cầu về công ty trễ hơn một ngày - quy định 21 ngày cân nhắc. Vì vậy mong công ty hỗ trợ và xem xét để tôi hủy hai hợp đồng này và nhận lại toàn bộ phí đã đóng ban đầu cho hai hợp đồng này. Chân thành cảm ơn công ty".
Tuy nhiên sau khi về nhà, chị lại nhận được tin nhắn của đại lý bảo hiểm gửi đến với nội dung nhờ chị cung cấp lại những hồ sơ bệnh án về những bệnh của chị và chồng trước khi tham gia bảo hiểm, "để công ty có xem xét tái thẩm định, nếu đủ cơ sở công ty sẽ có hướng hoàn phí".
Lo ngại nếu làm theo sẽ thể hiện "ý chí tham gia bảo hiểm", chị Giang không làm. Gần một tuần sau chị chính thức được Prudential hoàn trả hơn 150 triệu đồng.
"Nếu hôm đó tôi nghe theo họ và đi về nhà để chờ thì không biết khi nào lấy lại được tiền, có khi mất trắng", chị Giang nói.
Về trường hợp chị Giang, ngày 3-1-2023, ngân hàng cho biết hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đã được thiết lập dựa trên thông tin khách hàng cung cấp có chữ ký xác nhận của khách hàng. Khách hàng đã đăng ký nhận ưu đãi tham gia sản phẩm bảo hiểm với lựa chọn ưu đãi "Hoàn tiền phí bảo hiểm và miễn phí thường niên thẻ tín dụng", đã nhận được ưu đãi khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Trước đó ngân hàng có làm việc với khách hàng, khách hàng không có khiếu nại gì thêm.
Trong khi đó, theo chị Giang, sở dĩ không khiếu nại thêm vì trong quá trình vay vốn và mua bảo hiểm nhân thọ chị đã không ghi lại bằng chứng nội dung tư vấn. Sau đó với nghi vấn nhân viên bảo hiểm làm sai quy trình, nên chị tìm hiểu và chuyển sang làm việc với Prudential.
3 lần gửi đơn khiếu nại, gần 7 tháng chờ đợi nhưng vẫn không được Prudential hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... là câu chuyện đầy nỗi niềm của chị Giang (TP.HCM).
B.MAI
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về tình trạng một số cán bộ ngân hàng thương mại khi người dân cần vay tiền đã có nhiều giải pháp để khách hàng phải tự nguyện mua bảo hiểm, thậm chí đòi tất toán khoản vay khi khách không mua bảo hiểm nữa… có phải là hành vi ép mua bảo hiểm hay không, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, ngân hàng không được bắt buộc khách phải mua bảo hiểm.
Ngoài ra, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Thời gian qua, NHNN cho hay cơ quan quản lý tiền tệ đã nhận được phản ảnh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, chỉ giải ngân nếu khách mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ. Do đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng, trong đó bảo đảm quá trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng được thực hiện đúng quy định.
Với các hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho khách hàng có nhu cầu, giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, TP tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
LÊ THANH
Link nội dung: https://biztoday.vn/ep-mua-bao-hiem-khong-mua-cham-dut-khoan-vay-465071.html