Ngân hàng sẽ rót tiền vào lĩnh vực nào?

Room mở ra từ đầu năm, mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức tương đối hấp dẫn là lý do nhiều người quyết định gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn khó vay vốn. Vậy, tiền gửi ngân hàng sẽ "chảy" đi đâu?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây, đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.

Dân ùn ùn gửi tiền, doanh nghiệp lại khó vay

Các ý kiến quan sát nhận định, nguyên nhân khiến người dân tăng tiền gửi ngân hàng là mức lãi suất huy động vẫn ở mức cao. Vào thời điểm hai tháng cuối năm, lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9-12% với kỳ hạn trên 12 tháng.

Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán lãi suất huy động đã “hạ nhiệt” song vẫn ở mức khá cao ở ngưỡng 9,5%/năm. Trong đó có các nhà băng gồm: MSB (kỳ hạn 24 tháng); DongA Bank (kỳ hạn 12 và 24 tháng); VietA Bank (kỳ hạn 12 và 24 tháng); PVcomBank (kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng)... Mức lãi suất này được áp dụng kèm theo một số điều kiện tùy từng ngân hàng.

tien-1676517051.jpgTổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ổn định ở mức tương đối hấp dẫn là lý do nhiều người quyết định gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, thay vì chờ đợi, kỳ vọng lãi suất sẽ còn tăng cao.

"Tôi nhận thấy, lãi suất thời điểm này đã ổn định và thị trường chứng khoán vẫn còn đang khó khăn. Vì vậy gửi tiết kiệm thời điểm này hợp lý. Trong các khoản đầu tư, tôi dành 50% để gửi tiết kiệm", bà Huyền My, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nhờ đó, dòng tiền chảy vào các nhà băng ngày càng tăng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây, đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.

Thanh khoản ngân hàng dồi dào nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận vốn tín dụng. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đề xuất nới room tín dụng để khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn hơn, góp phần kiềm chế lãi suất, giảm giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng…

Tuy nhiên, tại cuộc họp về tín dụng tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, doanh nghiệp không cần kiến nghị sớm. Việc thiếu room tín dụng nếu có thường rơi vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp nói không vay được vốn tín dụng vì thiếu room tín dụng là không đúng.

Các ngân hàng cũng khẳng định, không thiếu room tín dụng cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bất động sản. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tín dụng cho bất động sản của ngân hàng này tăng 17% trong năm trước, cao hơn mức tăng bình quân. Trong đó, một số lĩnh vực, như khu công nghiệp, chế xuất, có dư nợ tăng tính bằng lần.

Theo ông, xét theo những con số thống kê, thực tế là ngành ngân hàng đang "ưu ái" cho bất động sản. Lĩnh vực này là một trong số 1.571 ngành nghề kinh doanh, nhưng chiếm tới 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tức là, 1.570 ngành nghề còn lại đang chia nhau "miếng bánh" 79% tổng dư nợ. Tăng trưởng cho bất động sản cũng ở mức cao, tỷ trọng trong cơ cấu xấp xỉ cả những lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn.

Hàng triệu tỷ đồng chảy về đâu?

Room tín dụng không thiếu, các doanh nghiệp khó vay vốn. Vậy, tiền gửi ngân hàng chảy đi đâu?

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lưu Trung Thái, CEO Ngân hàng Quân đội (MB) khẳng định: "Với các doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi không thiếu room, lãi suất cũng luôn có những chương trình ở mức chấp nhận được".

Theo kết quả khảo sát tín dụng của các ngân hàng do Vụ Dự báo - Thống kê NHNN đưa ra, nhu cầu tín dụng dự báo trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng đối với các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh xuất, nhập khẩu; mua nhà để ở; đầu tư ngành dịch vụ logistics; đầu tư ngành vận tải, kho bãi. Đây là những lĩnh vực có số lượng ngân hàng đánh giá nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất trong năm 2022.

Đáng chú ý, nhu cầu tín dụng đầu tư, kinh doanh du lịch được đánh giá đã phục hồi mạnh trở lại trong năm 2022. Sang năm 2023, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là lĩnh vực có số lượng ngân hàng dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất, xếp thứ 2 là lĩnh vực xây dựng thay vì lĩnh vực mua nhà để ở, tiếp theo là lĩnh vực đầu tư vận tải kho bãi và kinh doanh xuất nhập khẩu…

Trong buổi gặp gỡ ngành ngân hàng hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, trong năm 2023, cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn, đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tại chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo, tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ngan-hang-se-rot-tien-vao-linh-vuc-nao-466237.html