Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (cổ phiếu HBC), tổng tài sản của HBC tính đến thời điểm 31/12/2022 đạt hơn 16.926 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 90% đạt 15.189 tỷ đồng, tài sản dài hạn đạt hơn 1.736 tỷ đồng (chiếm 10%).
Đáng chú ý, nguồn vốn tại HBC được tài trợ chủ yếu từ nợ phải trả (chiếm 84%), trong khi vốn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 16%.
Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của HBC khoảng 14.283 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ còn 2.643 tỷ đồng. Do đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của HBC là hơn 5,4 lần. Nghĩa là, HBC đang kinh doanh với 1 đồng vốn chủ đi kèm hơn 5 đồng nợ.
Cũng trong năm 2022, HBC đã vay tổng cộng hơn 6.131 tỷ đồng (gấp 2,33 lần vốn chủ sở hữu) và chiếm tới 43% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.030 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ của HBC, khoản vay ngân hàng ghi nhận hơn 5.000 tỷ đồng; nợ trái phiếu hơn 961 tỷ đồng và vay bên thứ ba (cá nhân, nhân viên…) hơn 3 tỷ đồng.
Đặc biệt, chủ nợ lớn nhất của HBC gồm có: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Đáng chú ý, HBC còn có khoản nợ ngắn hạn tại ngân hàng BIDV nhiều nhất với gần 2.298 tỷ đồng; VietinBank hơn 1.297 tỷ đồng; MBBank hơn 145 tỷ đồng; ABBank hơn 149 tỷ đồng...
Được biết, HBC vay dài hạn hơn 1.030 tỷ đồng. Trong đó có hơn 961 huy động từ phát hành trái phiếu, nợ dài hạn ngân hàng chỉ hơn 69 tỷ đồng.
Tại ngân hàng MSB, bên cạnh khoản vay ngắn hạn 302 tỷ đồng còn là trái chủ sở hữu các lô trái phiếu trị giá 376 tỷ đồng.
Trước việc đi vay nợ "khổng lồ" trong bối cảnh lãi suất tăng cao khiến áp lực trả lãi vay của HBC rất lớn. Cụ thể, tổng chi phí lãi vay năm 2022 của HBC lên đến 521 tỷ (tăng đến 74% so với năm 2021).
Được biết, trong năm 2022, HBC đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 17.500 đồng và 350 tỷ đồng. Tuy niên, doanh nghiệp này mới đạt được hơn 80% kế hoạch. Nguyên nhân được cho là HBC kinh doanh dưới giá vốn, lỗ từ các khoản đầu tư, trích lập dự phòng, chi phí lãi vay...
Cả năm 2022, doanh thu thuần của HBC đạt gần 14.123 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh lên 13.865 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp giảm mạnh còn gần 258 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên gần 940 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần năm trước) và chi phí lãi vay cũng tăng hơn 70%. Cuối cùng HBC báo lỗ ròng năm 2022 hơn 1.138 tỷ đồng.
Bên cạnh những khó khăn do tác động của yếu tố vĩ mô, HBC cũng xảy ra cuộc "nội chiến" giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú để tranh giành ghế Chủ tịch. Nhóm ông Phú tố nhóm ông Hải quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, ông Hải lại cho rằng, nhóm ông Phú còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực nhằm thâu tóm công ty.
Mới đây, ông Nguyễn Công Phú đã rút khỏi cuộc chiến vương quyền tại HBC. Các cổ đông HBC hy vọng, sau động thái này, HBC sẽ có những biện pháp khắc phục khó khăn trước mắt để xây dựng doanh nghiệp phát triển hơn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/he-lo-danh-sach-chu-cac-khoan-no-hon-6000-ty-dong-tai-xay-dung-hoa-binh-466250.html