Kiểm tra quy hoạch bô-xít tại Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước

Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước thực hiện một số nội dung liên quan nhằm rà soát, kiểm tra quy hoạch bô – xít trên địa bàn, báo cáo trong quý I/2023.

Theo Bộ Công thương, quá trình kiểm tra xác suất thực địa tại một số địa điểm nằm trong quy hoạch khoáng sản bô-xít, ghi nhận một số dự án có hoạt động xây dựng nằm trong vùng quy hoạch thăm dò khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá phê duyệt trữ lượng.

Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do vậy, việc quản lý và sử dụng khoáng sản cũng tuân thủ theo luật quản lý tài sản công theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển tránh thất thoát tài sản công.

Mặt khác, Nghị định 51/2021 của Chính phủ quy định không thực hiện dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng trên đất dự trữ khoáng sản.

Do đó, bộ đề nghị các tỉnh (Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước): tiến hành rà soát hiện trạng ranh giới các dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 (đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 167 năm 2007) xác định cụ thể ranh giới, diện tích nhà ở dân sinh, dự án phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở xây dựng không phép, sai phép, có phép chồng lấn ranh giới khoáng sản bô – xít nêu trên.

Các căn cứ, văn bản pháp lý về cấp phép triển khai dự án; tình hình quản lý tài nguyên đối với khu vực này; các giải pháp xử lý đối với các diện tích chồng lấn để tiếp tục quy hoạch, cấp phép khai thác quặng bô-xít…

Được biết, Lâm Đồng đang ghi nhận một số khó khăn trong quản lý tài nguyên; quản lý quy hoạch và triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít.

Cụ thể, các khu vực thăm dò khoáng sản bô-xít tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã hình thành các khu dân cư ổn định (từ trước và sau khi quy hoạch được phê duyệt) với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện dẫn đến việc quy hoạch khoáng sản bô-xít vùng Bảo Lộc - Di Linh gặp nhiều vướng mắc, khó có thể triển khai nếu không điều chỉnh được quy hoạch tại Quyết định 167/QĐTTg năm 2007 có các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, quy hoạch đất an ninh quốc phòng, quy hoạch rừng, quy hoạch dân cư…

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có những ảnh hưởng không tốt đến các ngành du lịch, nông – lâm nghiệp do quá trình khai thác chế biến chiếm dụng một lượng lớn quỹ đất, tác động đến địa hình, địa mạo, cảnh quan và chất lượng đất và ảnh hưởng đến môi trường, tạo ra những biến động đối với đời sống dân cư, an ninh trật tự của khu vực có khoáng sản, làm mất đi lớp phủ thực vật, suy giảm nhanh tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái…

Do đó cần xem xét điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản bô-xít vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng một cách hợp lý để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích con người và thiên nhiên.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 dự án khai thác và chế biến quặng bô-xít.

Cụ thể, dự án khai thác mỏ bô xít do Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản Miền Nam thuộc Tập đoàn Hóa chất (nay là Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam): Đây là dự án khai thác bô-xít được thực hiện trước khi có Quyết định 167/2007/QĐ-TTg. Dự án đã dừng hoạt động từ năm 2014, đến năm 2020 đã thực hiện đóng cửa mỏ diện tích đã khai thác là 23,5ha và trả lại toàn bộ diện tích đất của dự án cho địa phương.

Thứ hai là dự án tổ hợp bô-xit - nhôm Lâm Đồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Bắt đầu triển khai từ năm 2006 và đã hoàn thành công trình đưa vào sử dụng từ 1/10/2013.

Dự án có quy mô: khai thác quặng bauxite, tuyển quặng bauxite khoảng 4.318.000 tấn/năm (quặng nguyên khai); tuyển quặng tinh khô 1.600.950 tấn/năm; sản xuất Alumin 650.000 tấn/năm. Diện tích đất sử dụng là khoảng 1.676ha.

Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế về sử dụng đất để thực hiện dự án, đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các quyết định thu hồi đất phục vụ dự án và diện tích khai thác mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép với tổng diện tích toàn dự án khoảng 2.620ha. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án khoảng 15.400 tỷ đồng.

Từ ngày 1/10/2013, tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng chính thức được Tập đoàn giao Công ty Vinacomin thay mặt tập đoàn tiếp nhận quản lý sử dụng, vận hành theo hình thức trước mắt là ký hợp đồng vận hành thuê nhà máy và giao Ban QLDA ký hợp đồng với Công ty Vinacomin theo chi phí, đơn giá được tập đoàn phê duyệt tính theo tấn sản phẩm alumin giao nộp. Toàn bộ tài sản hình thành qua đầu tư của dự án tập đoàn quản lý, không bàn giao giá trị cho Công ty Vinacomin và công ty chỉ thực hiện hợp đồng dịch vụ vận hành sản xuất thuê.

Link nội dung: https://biztoday.vn/kiem-tra-quy-hoach-bo-xit-tai-lam-dong-dak-nong-va-binh-phuoc-468729.html