Làn sóng trễ hẹn trả nợ trái phiếu lan rộng

Trước tình hình thị trường vốn gặp khó, liên tục có thêm nhiều doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi trái phiếu như Becamex TDC, Bất động sản Gia Phú, Fuji Nutri Food, Bất động sản Nice Star,...

CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC, mã chứng khoán: TDC) vừa báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trong thời gian từ ngày 15/2/2023 đến ngày 22/3/2023.

Cụ thể, lô trái phiếu mã TDC.BOND.2020.700 đang trong tình trạng chậm thanh toán, tổng tiền lãi phải thanh toán đợt 9 của lô trái phiếu trên là 23,8 tỷ đồng. Tại ngày 15/2, công ty đã thanh toán được 7 tỷ đồng và còn lại 16,8 tỷ đồng chậm thanh toán.

Becamex TDC cho biết, công ty sẽ thanh toán số lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm trả trước ngày 23/3, trong vòng 7 ngày làm việc, nguyên nhân chậm thanh toán là do tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm đã ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh của công ty.

Bên cạnh Becamex TDC, ngày 14/2, Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú cũng thông báo chậm thanh toán gần 3,3 tỷ đồng lãi trái phiếu đối với lô trái phiếu mã GPRCH2113001 (ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/2) do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Cùng lý do trên, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star thông báo chậm thanh toán 51 tỷ đồng lãi trái phiếu mã NCLCH2226001. Trước đó, công ty cũng đã xin lùi ngày thanh toán lãi đối với lô trái phiếu trên từ ngày 13/1/2022 sang ngày 10/2/2023. 

Xong, theo cập nhật tại ngày 14/2, công ty vẫn chưa thanh toán số lãi trên.

Một doanh nghiệp cũng thông báo chậm thanh toán chậm thanh toán gốc, lãi đối với lô trái phiếu mã FNFCH2223001 với số tiền 25,2 tỷ đồng là CTCP Fuji Nutri Food (FNF).

Công ty cho biết, theo kế hoạch công ty sẽ thanh toán lãi đối với lô trái phiếu trên tại ngày 12/2, xong, theo cập nhật tại ngày 13/2, công ty vẫn chưa thanh toán do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán. Công ty dự kiến sẽ thanh toán số lãi trên vào ngày 20/2.

Lô trái phiếu trên được phát hành vào ngày 12/8/2022 với khối lượng là 1 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/tp, huy động thành công 1.000 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 12 tháng, đáo hạn vào ngày 12/8/2023, lãi suất trái phiếu là 10%/năm.

Hồi đầu tháng 2, Tổng Giám đốc CTCP Lavida Invest đã ký văn bản gửi Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu LVDCH2123001 thay vì ngày thanh toán là 8/2. Số tiền phải thanh toán còn lại là 62 tỷ đồng, lý do là công ty chưa kịp sắp xếp được nguồn thanh toán. 

Theo kế hoạch, đến trước ngày 15/3, công ty sẽ thanh toán 10 tỷ đồng, đến ngày 15/4 trả tiếp 30 tỷ đồng và đến ngày 30/5, công ty sẽ thanh toán 22 tỷ đồng còn lại cho trái chủ.

Ngoài các đơn vị trên, còn có một số doanh nghiệp khác cũng thông báo chậm trả lãi trái phiếu như CTCP Hưng Thịnh Incons (210 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (302,8 tỷ đồng); CTCP Trung Nam (128,9 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (5,6 tỉ đồng); CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định (10 tỷ đồng); Công ty TNHH Đức Việt (24 tỷ đồng)...

mot-so-doanh-nghiep-cham-thanh-toan-lai-trai-phieu-1676949631.png

Một số doanh nghiệp chậm thanh toán lãi trái phiếu. (Nguồn: HNX).

Nói thêm về tình hình đáo hạn trái phiếu trong năm 2023, theo số liệu từ VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý I ước tính giảm 40,3% so với quý IV/2022, đạt 30.655 tỷ đồng (tăng 246,7% so với cùng kỳ). 

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 203,8% so với quý trước và tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ).

Sau giai đoạn thách thức này, VNDirect cho rằng giá trị đáo hạn trong quý IV sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Trong năm 2023, VNDirect ước tính, giá trị đáo hạn TPDN sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 76,6% so với cùng kỳ).

Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng ( tăng 76% so với cùng kỳ). 

Các doanh nghiệp BĐS có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm gồm Novaland (14.476 tỷ đồng), CTCP Saigon Glory (7.000 tỷ đồng), và Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang (4.960 tỷ đồng).

Link nội dung: https://biztoday.vn/lan-song-tre-hen-tra-no-trai-phieu-lan-rong-469004.html