Sắp thanh tra ngân hàng gắn điều kiện mua bảo hiểm với cho vay

Sau khi thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm liên kết ngân hàng năm vừa qua, Bộ Tài chính cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục thanh kiểm tra tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử nghiêm...

doanh-nghiep-bao-hiem-1677033532.jpg Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn.

Chiều tối ngày 21/2, Bộ Tài chính thông tin về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm, sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.

BANCASSURANCE TĂNG TRƯỞNG "NÓNG" NẢY SINH NHIỀU BẤT CẬP

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Theo đó, hoạt động bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Thống kê cho thấy, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance.

Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

"Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong thời gian dài, dư luận bày tỏ nỗi bức xúc về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhiều nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm qua kênh bancasurance. Đặc biệt gần cuối năm 2022, do ngân hàng cạn room tín dụng, nhiều khách vay phản ánh bị nhân viên ngân hàng dồn vào đường cùng, ép mua gói bảo hiểm mới giải ngân.

Hoặc nhiều nhân viên ngân hàng "lách" quy định của cơ quan quản lý bằng cách để khách hàng lựa chọn mua bảo hiểm hoặc không trên tinh thần tự nguyện nhưng lại "ngâm" hồ sơ kéo dài cho đến khi khách hàng ngậm ngùi chi tiền.

Ngoài ra, cũng có nhân viên ngân hàng lại phản ánh áp lực chỉ tiêu doanh số đẩy nhân viên tư vấn những sản phẩm bảo hiểm không thực sự phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính triển khai thực hiện ba giải pháp trọng tâm.

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối này, trong đó, bổ sung điều kiện đối với các đại lý tổ chức.

Theo đó, ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính sẽ quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Đối với các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết hiện đang trình Chính Phủ để xem xét, thông qua.

Theo đó, các văn bản này cũng đã sung các quy định nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối này bao gồm: bổ sung nhóm quy định liên quan đến các điều kiện đối với đại lý bảo hiểm là ngân hàng; bổ sung nhóm các quy định về nguyên tắc khai thác bảo hiểm qua ngân hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung nhóm quy định về trách nhiệm của tổ chức đại lý là ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Cùng với đó, bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu minh họa bán hàng và tài liệu giới thiệu sản phẩm, cần thể hiện rõ các quyền lợi bảo hiểm mà sản phẩm mang lại, tránh cách diễn đạt không rõ ràng, gây kỳ vọng sai hoặc hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm.

Đối với các tài liệu minh họa bán hàng của các sản phẩm bảo hiểm phân phối qua tổ chức hoạt động đại lý, tài liệu minh họa bán hàng phải có thêm những thông tin tối thiểu sau đây: tên, địa chỉ của tổ chức; nội dung được ủy quyền theo hợp đồng đại lý; tên, số chứng chỉ đào tạo đại lý của nhân viên trong tổ chức thực hiện hoạt động đại lý; đồng thời, phải thể hiện rõ đây là sản phẩm bảo hiểm, không phải là sản phẩm của các tổ chức hoạt động đại lý.

Hai là, về công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Cùng với đó, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.

"Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như: thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm", Bộ Tài chính yêu cầu.

Thực hiện giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã chủ động làm việc với lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Thực hiện phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm và sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm của cả ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nếu có.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ba là, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm.

Để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.

"Không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đồng thời, tổ chức đường dây nóng 24/7 (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chi tiết đường dây nóng cụ thể như sau: Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn, Hotline: 024.22208018.

Ngoài ra, phối hợp với cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Link nội dung: https://biztoday.vn/sap-thanh-tra-ngan-hang-gan-dieu-kien-mua-bao-hiem-voi-cho-vay-469561.html