Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, vướng mắc lớn nhất tại Dự án cầu Rạch Miễu 2 là chậm bàn giao mặt bằng, không đủ điều kiện khởi công các gói thầu và mặt bằng bàn giao không liên tục.
Đơn cử, Gói thầu XL-01 không đủ điều kiện để thi công, kể từ tháng 3/2022 đến nay địa phương chưa bàn giao thêm mặt bằng. Các gói thầu XL-04, XL-05, XL-06 đã thông báo khởi công, công tác xử lý đất yếu phải gia tải chờ lún bình quân 14 tháng, tuy nhiên đến nay nhiều phạm vi vẫn chưa có mặt bằng thi công hoặc mặt bằng không đủ điều kiện để thi công xử lý nền.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng mức đầu tư Dự án dự kiến tăng thêm 1.183,69 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh chi phí GPMB.
Trong khi đó, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, công tác cung cấp số liệu tổng chi phí GPMB chậm, đến ngày 8/2/2023 các địa phương mới cung cấp tổng chi phí GPMB, ảnh hưởng đến công tác trình thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Tại Tiền Giang, vấn đề nan giải nhất là nhiều hộ dân đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các vị trí phải xử lý nền đất yếu. Đối với tỉnh Bến Tre, cần tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng, đặc biệt có giải pháp đối với các hộ dân chưa đồng thuận và các hộ đã nhận tiền nhưng chưa di dời (145 hộ chưa di dời, trong đó có 112 nhà).
Thực tế, con số chi phí phát sinh liên quan đến GPMB của Dự án cầu Rạch Miễu 2 vẫn chưa có sự thống nhất do 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều cho biết cần bổ sung kinh phí rất lớn mới đảm bảo TĐC đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, Tỉnh đã trình phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ TĐC Tiểu dự án GPMB với kinh phí là 812,898 tỷ đồng. UBND Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét, có ý kiến chấp thuận để Tỉnh duyệt phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng trong tháng 2/2023.
Đại diện tỉnh Bến Tre thông tin, chi phí GPMB trên địa bàn dự kiến tăng 89,023 tỷ đồng so với kinh phí được duyệt, cần được chấp thuận để điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư làm cơ sở bố trí vốn thực hiện. Chi phí này chưa bao gồm công trình đường dân sinh dọc đường dẫn vào cầu Rạch Miễu 2 đoạn từ Quốc lộ 57B đến đường ven sông Tiền.
Đối với tỉnh Tiền Giang, số tiền cần bổ sung để thực hiện Tiểu dự án Bồi thường, hỗ trợ, TĐC là 1.257,208 tỷ đồng. UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị bổ sung đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện Tiểu dự án. "Nếu không sẽ không thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC trên địa bàn huyện Châu Thành với 468 hộ", Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang cho biết.
Riêng với khu TĐC, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang, dự kiến chi phí giải tỏa, bồi thường và đầu tư hạ tầng khu TĐC là 262 tỷ đồng. Tuy nhiên, khung chính sách phê duyệt chỉ bố trí 31,334 tỷ đồng là không đủ để thực hiện.
Các phương án bồi thường đối với phần phát sinh chưa được phê duyệt dẫn tới công tác đo đạc, kiểm đếm tại 2 địa phương vẫn còn ngổn ngang. Đặc biệt, công tác lựa chọn nhà thầu các hạng mục di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng TĐC đều rất chậm.
Tại Tiền Giang, công tác trình phê duyệt chỉ định thầu các gói thầu tư vấn đang được thực hiện. Việc lựa chọn nhà thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật dự kiến vào tháng 3/2023. “Thời gian thi công các gói thầu này dự kiến sang quý IV/2023 mới hoàn thành”, Bộ GTVT quan ngại.
Trong khi đó, tại Bến Tre, Gói thầu Di dời điện cao thế đã mở thầu lần 3 nhưng không có nhà thầu tham dự, địa phương đã thực hiện các thủ tục chỉ định thầu.
Đối với công tác xây dựng khu TĐC, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch xây dựng 1 khu TĐC với 342 lô nền trên diện tích 5,2 ha, tổng mức đầu tư khoảng 132 tỷ đồng, đang xác định chi phí các gói thầu tư vấn để lập kế hoạch đấu thầu trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Tại Bến Tre, đến nay đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu phục vụ GPMB Dự án cầu Rạch Miễu 2 như: Gói thầu Thi công hoàn trả, di dời lưới điện thuộc Dự án Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; Gói thầu Thi công hoàn trả, di dời lưới điện trung hạ thế thuộc Tiểu dự án Bồi thường, hỗ trợ, TĐC…
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-cau-rach-mieu-2-doi-chi-phi-khau-giai-phong-mat-bang-dung-hinh-469612.html