Như Báo Lao Động phản ánh, thời điểm nửa cuối năm 2022 diễn ra tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa, gián đoạn nguồn cung, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Trước tình trạng này, tháng 10.2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 396 thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu tại 17 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước và 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn.
Trong danh sách thanh tra trên có sự góp mặt của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã cổ phiếu HOSE: PSH) và diễn biến này gây nhiều chú ý về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của PSH cũng như nhiều doanh nghiệp khác.
Mới đây nhất, PSH vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, trong đó ghi nhận doanh thu trong kỳ đạt 2.212 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỉ đồng, giảm 40%.
Giải trình cho biến động kinh doanh trong kỳ, ông Mai Xuân Huy - Chủ tịch HĐQT PSH – thông tin, nguyên nhân khiến lợi nhuận công ty đi xuống chủ yếu là do biến động giá xăng dầu trên thế giới và trong nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của Dầu khí Nam Sông Hậu.
Lũy kế cho cả năm 2022, PSH đưa về 7.355 tỉ đồng doanh thu, tăng 28% so với cùng kì. Thế nhưng, do giá vốn bán hàng neo cao, cùng với chi phí tài chính, chi phí bán hàng... “phình to” khiến PSH báo lỗ sau thuế 199 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi đến 319 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Đáng nói, kết quả kinh doanh thua lỗ không phải là vấn đề đáng chú ý duy nhất tại PSH trong năm 2022, bởi nợ thuế vượt vốn chủ sở hữu mới là vấn đề lớn nhất cho thấy những khó khăn doanh nghiệp này đang đối diện.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Dầu khí Nam Sông Hậu đạt 1.544 tỉ đồng, trong khi đó số phải nộp thuế và các khoản phải nộp nhà nước lên đến 1.633 tỉ đồng.
Báo cáo của PSH cho biết chiếm phần lớn trong số nợ thuế 1.633 tỉ đồng là thuế bảo vệ môi trường với 1.241 tỉ đồng, tiếp đó là thuế GTGT với 244 tỉ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt với 129 tỉ đồng.
Cũng theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính PSH, trong những năm qua, nợ thuế của doanh nghiệp này ngày càng tăng cao, từ 60 tỉ đồng năm 2017, lên 502 tỉ đồng năm 2018, 713 tỉ đồng năm 2019, 1.002 tỉ đồng năm 2020, 1.363 tỉ đồng 2021 và 1.633 tỉ đồng năm 2022.
Bên cạnh đó tại ngày 31.12.2022, tổng nợ phải trả của Dầu khí Nam Sông Hậu còn 8.539 tỉ đồng, tăng 7% sau 12 tháng, và cao gấp 5,5 lần so với vốn chủ sở hữu. Diễn biến này cho thấy, tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản nợ.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, kết thúc năm 2022, tổng tài sản PSH đạt 10.083 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2021. Trong đó, đáng chú ý khi hàng tồn kho tại Dầu khí Nam Sông Hậu có hơn 4.789 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này còn ghi nhận gần 1.991 tỉ đồng tài sản dở dang dài hạn.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, hiện nay, PSH đang triển khai nhiều dự án bao gồm bất động sản, kho chứa, nông nghiệp, thủy sản. Các dự án đang chiếm hàng trăm tỉ đồng vốn của Dầu khí Nam Sông Hậu có thể kể đến như Dự án Vàm Láng (120 tỉ đồng), Dự án khu du lịch sinh thái Phong Điền (219 tỉ đồng), Dự án kho Mái Dầm (335 tỉ đồng)...
Link nội dung: https://biztoday.vn/dau-khi-nam-song-hau-psh-no-thue-no-phai-tra-dong-loat-phinh-to-470231.html