Thời gian vừa qua Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực, tuy nhiên, tình hình thị trường xăng dầu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh trong phát biểu tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, sáng 28/2.
Theo Phó chủ tịch, thành công của phiên giải trình sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự ổn định của thị trường xăng dầu, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân.
Cần giải pháp căn cơ, toàn diện
"Thời gian vừa qua Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, tình hình thị trường xăng dầu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương, chưa chủ động được nguồn cung do chưa xử lý được các vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hàng dự trữ lưu thông theo quy định có những thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm để đảm bảo dự trữ bắt buộc, biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng giảm không đồng bộ. Theo số liệu thống kê, nhiều trường hợp khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước đã giảm và ngược lại", Phó chủ tịch nhận xét.
Ông Hải cũng nêu rõ, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về chi phí, định mức lợi nhuận bất cập, không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá chưa đạt mục tiêu bình ổn giá, sử dụng chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch.
"Gần đây, xăng dầu luôn luôn là vấn đề nóng, ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần một trăm triệu người dân Việt Nam. Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước và xăng dầu để tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân từ cơ chế chính sách nên việc tổ chức thực hiện để đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục, đặc biệt là trong tình hình hiện nay", Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện thời gian tới , Phó chủ tịch lưu ý đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng về thực hiện quyết liệt để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ… bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới, còn có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp.
Do đó, Phiên giải trình là cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu Quốc hội và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP.
Bộ Công Thương nói gì?
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Đồng thời, Bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Về xử lý vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo xử lý các vấn đề của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Khó khăn chủ yếu hiện nay của Nhà máy là vấn đề tài chính. Để xử lý các khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, Nhà máy và các Ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ trì chỉ đạo PVN) trong quá trình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy, góp phần duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ đã tích cực triển khai xây dựng Phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đề xuất: Từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối NSNN (hiện nay NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tiep-tuc-go-kho-cho-kinh-doanh-xang-dau-472992.html