Đồng đô la hồi phục trở lại là rủi ro tiềm tàng của thị trường tài chính toàn cầu

Sau khi quay cuồng với sự biến động gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư đang để mắt đến một lo lắng tiềm tàng khác là đồng đô la hồi phục trở lại.

usd-1677659210.jpg
 

Đồng đô la đã tăng gần 4% so với mức thấp gần đây và đang ở gần mức cao nhất trong 7 tuần so với một rổ các loại tiền tệ chính khác. Điều này được thúc đẩy bởi các kỳ vọng liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần tăng lãi suất cao hơn nhiều nhà đầu tư dự báo trước đây.

Mặc dù đồng đô la vẫn còn thấp hơn 8% so với mức cao nhất trong 20 năm đã đạt được trong năm ngoái, nhưng sự phục hồi của đồng đô la cùng với sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc đã làm phức tạp triển vọng cho một loạt các tài sản đã có diễn biến tích cực trở lại khi đồng đô la giảm vào cuối năm 2022.

Chỉ số MSCI các cổ phiếu thị trường mới nổi đã giảm 8% so với mức cao nhất tháng 1, trong khi Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI giảm 3% so với mức cao đầu tháng 2.

"Đồng đô la mạnh hơn đặt ra một vấn đề đối với tài sản rủi ro", Lauren Goodwin, nhà kinh tế và chiến lược gia danh mục đầu tư tại New York Life Investments cho biết.

Do vai trò trung tâm của đồng đô la trong hệ thống tài chính toàn cầu, sự biến động của đồng đô la sẽ mang lại nhiều hệ lụy đối với giá tài sản.

usd-1677659210.jpg
Diễn biến của các loại tài sản trong tháng 2

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng đô la mạnh hơn có xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu trong khi làm giảm bớt khẩu vị rủi ro và làm suy yếu thương mại toàn cầu. Nó cũng gây khó khăn hơn cho các quốc gia đã đi vay bằng đồng đô la, đó cũng là vấn đề thường được cảm nhận sâu sắc bởi các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Đồng đô la mạnh hơn cũng làm cho dầu thô, vàng và các hàng hóa được định giá bằng đồng đô la trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài. Theo các nhà phân tích tại UBS Global Wealth Management, một phần nguyên nhân của sự suy giảm 2% giá dầu Brent từ đầu năm đến nay có thể bắt nguồn từ sự phục hồi của đồng đô la. Các nhà phân tích kỳ vọng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc và sự gián đoạn cung cấp của Nga sẽ góp phần hạn chế tác động của đồng đô la và thúc đẩy giá dầu tăng giá vào cuối năm nay.

Các chiến lược gia của Morgan Stanley mới đây cho biết, xu hướng của đồng đô la có thể là yếu tố chính cho quỹ đạo của các cổ phiếu Mỹ thông qua mối liên hệ giữa đồng đô la với điều kiện thanh khoản toàn cầu. Chỉ số S&P 500 đã giảm gần 5% so với mức cao gần đây và đang tăng 3,6% từ đầu năm đến nay.

"Nếu lãi suất và đô la Mỹ tiếp tục cao hơn, chúng tôi cho rằng các mức hỗ trợ chính này cho các cổ phiếu sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho thị trường gấu tiếp tục mạnh mẽ hơn", các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết.

Trong khi đó, liệu đồng đô la có tiếp tục phục hồi hay không sẽ phụ thuộc một phần vào nhận thức của các nhà đầu tư về việc Fed sẽ cần tăng lãi suất lên cao ở mức nào.

Colin Graham, người đứng đầu các giải pháp đa tài sản tại Robeco cho rằng, đồng đô la khó có thể hồi phục thêm nhiều.

Emily Leveille, người quản lý danh mục đầu tư tại Thornburg Investment Management cũng hoài nghi về thời gian hồi phục của đồng đô la sẽ kéo dài và xem bất kỳ điểm yếu nào ở các thị trường mới nổi như một cơ hội mua vào.

Mặt khác, các nhà phân tích tại Capital Economics tin rằng, sự chậm lại dự kiến trong tăng trưởng toàn cầu và khẩu vị rủi ro sẽ khiến các nhà đầu tư đổ xô đến đồng đô la, một điểm đến phổ biến trong thời gian không chắc chắn và đẩy đồng tiền này trở lại mức cao vào cuối năm nay.

"Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang suy yếu và nhu cầu an toàn có thể đẩy đồng đô la cao hơn trong vài quý tiếp theo", các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dong-do-la-hoi-phuc-tro-lai-la-rui-ro-tiem-tang-cua-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-473563.html