Trung Quốc xuất khẩu gần 3.600 tỷ USD hàng hóa, Việt Nam mua gì nhiều nhất?

Năm 2022, Trung Quốc xuất khẩu gần 1.000 tỷ USD máy móc, thiết bị điện. Trong đó, chỉ riêng điện thoại đã đạt kim ngạch 143 tỷ USD. Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và nhập khẩu 147 tỷ USD hàng hóa các loại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, nước này xuất khẩu tổng cộng 3.594 tỷ USD hàng hóa ra thế giới, tăng 7% so với năm 2021 và dẫn đầu thế giới, vượt xa Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU).

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ chi tiết đến cấp độ chương trong "Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa" - hay còn gọi là HS của Tổ chức Hải quan Thế giới. Hệ thống này phân loại hàng hóa thành 97 chương theo tiêu chuẩn quốc tế, cộng với hai chương 98, 99 giành cho từng quốc gia. 

Việc Trung Quốc chỉ công bố số liệu đến mức độ chương trong hệ thống HS khiến một số nhóm mặt hàng, chẳng hạn như chương 85, có kim ngạch rất lớ lên tới gần 1.000 tỷ USD. 

Chương 85 (máy móc, thiết bị điện) trong hệ thống HS rất rộng, bao gồm từ động cơ điện, pin, đồ gia dụng, thiết bị chiếu sáng, điện thoại, tivi cho tới các loại vi mạch. Tổng cộng, chương 85 bao gồm 48 nhóm ngành khác nhau, một số ngành chẳng hạn như điện thoại, có thể đạt kim ngạch xuất khẩu cả trăm tỷ USD.

xuat-khau-cua-trung-quoc-1677725743.png Thống kê của Trung Quốc có hạn chế khi sử dụng hệ thống HS.

Máy móc, thiết bị điện

Như đã nói, máy móc, thiết bị điện (chương 85) là một chương rất rộng, bao hàm nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc. Nếu sử dụng thống kê riêng của Trung Quốc (thống kê không đầy đủ, chỉ nêu những mặt hàng trọng điểm, và không có số liệu của từng đối tác), thì chỉ riêng xuất khẩu điện thoại trong năm 2022 của nước này đã đạt 143 tỷ USD.

Xuất khẩu mạch điện tử tích hợp (đơn vị xử lý, mạch khuếch đại, bộ nhớ ... tương ứng mã HS 8542) đạt kim ngạch 154 tỷ USD. 

Vào năm ngoái, Đặc khu hành chính Hong Kong là đối tác mua nhiều máy móc, thiết bị điện từ Trung Quốc nhất, kế đến là EU và Mỹ. Hai vị trí còn lại lần lượt thuộc về Hàn Quốc và Việt Nam.

EU và Việt Nam đang có xu hướng mua ngày càng nhiều nhóm hàng này từ Trung Quốc, trong khi nhập khẩu của Hong Kong, Mỹ và Hàn Quốc có xu hướng đi ngang, hoặc giảm dần.

doi-mua-thiet-bi-trung-quoc-1677725864.png

 

Máy móc, thiết bị cơ khí

Máy móc, thiết bị cơ khí (chương 84) cũng bao gồm nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc, chẳng hạn như: máy tính, vi xử lý trung tâm, .... Chương 84 có tổng cộng 87 nhóm ngành.

Tên đầy đủ của chương này là: "Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng". Dù tên gọi liên quan tới các thiết bị cơ khí, chương 84 cũng bao gồm những sản phẩm như máy tính xách tay, máy tính bảng, vi xử lý, chip nhớ, ...

Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 97 tỷ USD máy tính xách tay (mã HS là 84713020) cùng với 31 tỷ USD máy tính bảng (mã HS là 84713010).

Mỹ và Hong Kong tiếp tục đứng dầu trong danh sách nhập khẩu các sản phẩm từ chương 84 của Trung Quốc. Vào năm ngoái, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nhập về 109 tỷ USD máy móc, thiết bị cơ khí từ nền kinh tế số hai.

thiet-bi-co-khi-1677725982.png

Hàng may mặc, giày dép

Hàng may mặc dệt kim (chương 61) và hàng may mặc không dệt kim (62) từ lâu đã là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Vào năm 2022, chương 61 đã đóng góp 91 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi chương 62 là 77 tỷ USD.

Chương 63, bao gồm các sản phẩm dệt đã hoàn thiện khác và quần áo cũ, cũng mang về 37 tỷ USD cho Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của chương này đã giảm mạnh trong những năm qua.

Ngoài ba nhóm hàng hóa này, Trung Quốc còn có thế mạnh về xuất khẩu giày dép (chương 64), đạt kim ngạch 62 tỷ USD vào năm ngoái. 

hang-may-mac-giay-dep-1677726034.png

Nhìn chung, xuất khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc đều có tăng trưởng trong những năm qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hiện đang thấp hơn những quốc gia có nhân công giá rẻ như Việt Nam, Ấn Độ hay Bangladesh.

Sắt thép

Trung Quốc vừa nhập khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới, vừa nằm trong top đầu về xuất khẩu sắt thép thành phẩm và các mặt hàng liên quan.

nhap-khau-kim-loai-1677726100.png

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép (chương 73, bao gồm các loại ống, dây cáp, thùng chứa, ...) đạt 110 tỷ USD, trong khi sắt thép (chương 72) là 77 tỷ USD. 

Khách hàng lớn nhất của các sản phẩm thuộc chương 73 là Mỹ (16 tỷ USD vào năm 2022), trong khi Philippines (7 tỷ USD) , Hàn Quốc (6 tỷ USD) và Việt Nam (6 tỷ USD) lại mua nhiều sắt thép (chương 72) từ Trung Quốc nhất. 

Những kỷ lục

Trong số 12 mặt hàng Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, Mỹ đứng đầu về 9 nhóm hàng, góp mặt trong top 5 của 2/3 nhóm hàng còn lại. Đứng ngay sau Mỹ là Hong Kong và Ấn Độ, hai đối tác đi đầu trong nhập khẩu máy móc, thiết bị điện và chất dẻo.

Việt Nam góp mặt trong top 5 nhập khẩu từ Trung Quốc với 3 mặt hàng. Những đối tác mua nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Hà Lan.

Việt Nam mua gì nhiều nhất từ Trung Quốc?

Vào năm 2022, mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất tới Việt Nam là máy móc, thiết bị điện, tiếp đến là máy móc, thiết bị cơ khí. Cả hai nhoms mặt hàng này đồng thời đứng đầu tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Với kim ngạch 7,2 tỷ USD, Việt Nam là nước nhập khẩu chất dẻo của Trung Quốc nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Việt Nam cũng đứng vị trí số hai thế giới về nhập khẩu gốm sứ của Trung Quốc, với giá trị gần 2,4 tỷ USD, tức là khoảng 57.000 tỷ đồng.

Việ Nam mua nhiều sắt thép từ Trung Quốc, xếp thứ 3 trong số các đối tác của đất nước tỷ dân, bám đuổi sát nút Philippines và Hàn Quốc. 

Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc cho ngành may mặc, bao gồm vải dệt kim (5,5 tỷ USD, chương 60) và chỉ khâu nhân tạo (3,1 tỷ USD, chương 54). Nước ta đứng đầu thế giới về kim ngạch nhập khẩu cả hai mặt hàng này từ Trung Quốc trong năm vừa qua.

mat-hang-xuat-khau-nhieu-sang-viet-nam-1677726164.png

Link nội dung: https://biztoday.vn/trung-quoc-xuat-khau-gan-3600-ty-usd-hang-hoa-viet-nam-mua-gi-nhieu-nhat-473998.html