Ông chủ có hành trình khởi nghiệp khá gian nan
F88 là hệ thống chuỗi cầm đồ được sáng lập bởi cựu 'hacker' đình đám trong giới công nghệ Việt: ông Phùng Anh Tuấn. Sinh năm 1984, ông Tuấn được biết đến là sinh viên xuất sắc của đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Sau khi đầu quân cho một số tập đoàn công nghệ lớn, năm 2003, ông Tuấn quyết định khởi nghiệp, thành lập Công ty An ninh mạng VSEC (sau này đổi tên thành CTCP An Ninh Mạng Việt Nam). Ông cũng được biết tới là nhà sáng lập tập đoàn công nghệ G-Group.
Hành trình khởi nghiệp gian nan cũng giúp ông Phùng Anh Tuấn bén duyên với lĩnh vực 'cầm đồ'. Vị doanh nhân thế hệ 8x từng cho biết, ở giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp, ông không đủ tiền trả lương nhân viên nên thường mang đồ đạc đi cầm. Nhờ vậy, ông nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này và bắt tay vào làm.
Ông Phùng Anh Tuấn hiện đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của F88 với mức cổ phần nắm giữ là 20%. Quỹ đầu tư Mekong Capital nắm 41,8%. Quỹ Granite Oak giữ 12,9%.
Ngoài ông Tuấn, hội đồng quản trị của F88 gồm 6 nhân vật gồm: Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuyên. Ông Tuyên từng là Giám đốc công nghệ của Tập đoàn Xi măng Việt Nam. Phó tổng giám đốc Ngô Quang Hưng cũng là người đồng sáng lập ra F88. Ông Hưng được giới thiệu là có trên 15 năm kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Một thành viên ngoại khác là ông J.Alan Barron từng làm Giám đốc điều hành và Tổng giám đốc tại First Cash Financial của Mỹ với hơn 2.000 cửa hàng cầm đồ tại Mỹ và châu Mỹ Latinh.
2 đại diện từ quỹ Mekong Capital là ông Nguyễn Anh Quang và bà Đỗ Thị Khánh Vân. Ông Quang từng là Phó giám đốc điều hành Bank of America Merrill Lynch.
Đại diện quỹ Granite Oak là ông Simon Wagner được giới thiệu là có hơn 20 năm kinh nghiệm về đầu tư và cho thuê lại tài sản tại Morgan Stanley.
Tình hình kinh doanh của F88 ra sao?
Theo báo cáo nhà đầu tư mua trái phiếu F88 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tính đến năm 2020, giá trị trung bình của một hợp đồng cầm cố của F88 là 13 triệu đồng. Lãi suất cho vay của F88 được giới thiệu là dưới 20%/năm chưa bao gồm chi phí lưu kho, chi phí thẩm định tài sản.
Số liệu 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy doanh thu cầm cố xe máy của F88 là 115,6 tỷ đồng, cầm cố ô tô là 38,6 tỷ đồng, cầm cố tài sản khác là 13,4 tỷ đồng, nguồn thu khác là 46,3 tỷ đồng. Doanh thu và các nguồn thu khác của F88 trong năm 2019 tăng 2,8 lần so với năm 2018 và 9,5 lần so với năm 2017.
Riêng cầm cố xe máy là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho F88, chiếm 69,9% năm 2021. Mảng cầm cố ô tô chiếm khoảng 22,9% tỷ trọng doanh thu năm 2021.
Còn theo số liệu từ Mekong Capital, năm ngoái F88 đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 112% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào hoạt động hiệu quả của mảng sản phẩm bảo hiểm. Chỉ tính riêng doanh thu thuần từ bảo hiểm đã tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 15% tổng doanh thu thuần của công ty.
Tổ chức FiinRatings thông tin, phân khúc cho vay thế chấp F88 vẫn là công ty có thị phần lớn nhất dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay. F88 đã mở 211 cửa hàng trong năm 2022, nâng tổng số cửa hàng lên 800 cửa hàng tính đến thời điểm hiện tại.
Tính đến quý quý III năm ngoái, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh của F88 là gần 3.358 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). Trong khoảng thời gian này, F88 cho biết đã ghi nhận dư nợ tăng 246,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh trên, F88 mới đây đã huy động thành công 50 triệu USD (1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C các nhà đầu tư gồm quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Trong đó, VOI góp tới 30 triệu USD.
Link nội dung: https://biztoday.vn/danh-tinh-ong-chu-f88-doanh-nghiep-so-huu-chuoi-cam-do-lon-nhat-viet-nam-la-ai-476751.html