Từ kinh nghiệm xưa nay để lại, hầu như mọi người đều tin rằng chính phủ Mỹ sẽ tránh được vụ vỡ nợ vào khoảng cuối năm nay.
Song, cũng do kinh nghiệm đó mà nhiều người từng không lường trước được các cú sốc đã làm đảo lộn thế giới những năm gần đây, như sự sụp đổ của Lehman Brothers, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và sự lây lan ra toàn cầu của COVID-19.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Tyler Cowen, nhà kinh tế tại Đại học George Mason, cho hay: “Nếu chuyện gì đó không xảy ra trong một thời gian dài, hầu hết mọi người đều sẽ quên đi sự hiện diện của nó”.
“Chúng ta thường giả định rằng chuyện đó không thể xảy ra, sẽ không xảy ra đâu. Ngay từ đầu, trong ý thức của chúng ta đã không tồn tại những rủi ro như vậy”, ông Cowen nói tiếp.
Thị trường tài chính hiện không mấy lo ngại về nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ và nhiều nhà kinh tế cũng coi nhẹ rủi ro các nhà lập pháp không thể đạt được thoả thuận để nâng trần nợ.
Theo Bloomberg, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng trong cuộc chơi lần này, nếu không nâng trần nợ công, hậu quả cho cả hai đảng trong Quốc hội đều rất lớn.
Tuy nhiên, “ngày X” - thời điểm mà chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ đến hạn - chỉ còn cách hôm nay vài tháng. Và các cuộc đàm phán bên trong Quốc hội hiện nay căng thẳng hơn trước rất nhiều.
Đối với những người Mỹ đang phải vật lộn với lãi suất cao, việc chính phủ vỡ nợ sẽ kéo chi phí đi vay tăng mạnh hơn nữa. Từ các khoản vay thế chấp mua nhà, vay nợ thẻ tín dụng đến vay mua xe ô tô, lãi suất đều lên cao hơn.
Năm 2011, Quốc hội Mỹ từng tranh cãi gay gắt về vấn đề trần nợ. Cuối cùng, lưỡng đảng đã thoả hiệp, giúp chính phủ tránh được một cuộc vỡ nợ. Song, chỉ số S&P 500 vẫn giảm 17%.
Bà Tracy Chen, nhà quản lý danh mục tại Brandywine Global Investment Management, nhận xét: “Thị trường đang khá tự mãn. Nhà đầu tư nên hết sức thận trọng vì trần nợ sẽ là sự kiện bất thường và căng thẳng nhất năm nay”.
Mỹ đã đạt đến giới hạn vay nợ vào đầu tháng 1/2023, nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính đã sử dụng các thủ thuật kế toán đặc biệt để giúp chính phủ lách trần nợ.
Dù đã học được một số điều từ cuộc chiến trần nợ năm 2011, không nhà đầu tư và cơ quan quản lý nào thực sự biết liệu các thủ thuật hiện nay có đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống hay không.
Khi đến ngày X, đâu sẽ là cân nhắc đầu tiên của Bộ Tài chính Mỹ? Theo Bloomberg, các quan chức có thể sẽ ưu tiên thanh toán nghĩa vụ này trước nghĩa vụ kia, dù một số chuyên gia cảnh báo rằng họ khó có thể lựa chọn theo ý muốn.
Các cựu quan chức cho rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh toán nghĩa vụ đến hạn cho 24.000 tỷ USD chứng khoán nợ do chính phủ phát hành. Vỡ nợ đối với loại tài sản này sẽ làm suy yếu các trái phiếu Kho bạc mà lợi suất của chúng được coi là tiêu chuẩn cho chi phí đi vay trên khắp thế giới.
Chứng khoán nợ của chính phủ cũng đóng vai trò là tài sản thế chấp cho hàng tỷ USD các khoản vay ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Chúng có quan hệ mật thiết với nền kinh tế toàn cầu, cho nên nếu Mỹ vỡ nợ, hậu quả khó có thể lường được.
Ưu tiên thanh toán lãi cho các chứng khoán nợ nói trên sẽ là một thách thức chính trị với Washington. Bước đi đó có thể gây ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của nhà đầu tư đối với chính phủ Mỹ.
Bởi khi đó, Washington sẽ phải chi trả trước cho các nhà đầu tư giàu có và chính phủ các nước như Trung Quốc, trong khi trì hoãn cho hàng triệu nhân viên liên bang, nhà thầu, quân nhân, người hưởng trợ cấp An sinh Xã hội,....
Trì hoãn thanh toán nghĩa vụ đến hạn cũng sẽ gây hậu quả khó lường cho chính phủ và nền kinh tế Mỹ, Bloomberg lưu ý thêm.
Hồi tháng 2, Chủ tịch Fed Jerome Powell từng cảnh báo rằng “đừng ai nghĩ rằng chúng tôi có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi những hậu quả [tiềm tàng] nếu chính phủ không giải quyết kịp thời vấn đề trần nợ’.
Một mối nguy hiểm lớn mà ông Powell nhận ra từ cách đây hơn 10 năm là nhà đầu tư sẽ sợ hãi và ngại mua tất cả các khoản nợ của chính phủ Mỹ tại các cuộc đấu giá của Bộ Tài chính.
Khi đấu giá thất bại, Bộ Tài chính có thể không huy động đủ tiền mặt để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, từ đây gây ra một loạt vấn đề.
Câu chuyện trần nợ năm nay kết thúc ra sao là tuỳ thuộc vào các chính trị gia ở Washington. Nhìn chung, họ vẫn còn thời gian để hành động, bởi Goldman Sachs ước tính ngày X sẽ đến vào đầu đến giữa tháng 8.
Tuy nhiên, thủ tục pháp lý phức tạp và việc không đảng nào nắm quyền kiểm soát áp đảo tại Hạ viện cũng như Thượng viện đang gây bất lợi cho Washington.
Như trong các cuộc đối đầu về trần nợ trước đây, Đảng Cộng hoà vẫn yêu cầu chính phủ của Tổng thống Joe Biden (Đảng Dân chủ) phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự nhượng bộ.
Lần này, vấn đề làm gia tăng căng thẳng là thế khó của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hoà) đối với một nhóm đảng viên quyết tâm không thoả hiệp.
Sau 14 lần thất bại trong các cuộc bỏ phiếu, để chính thức trở thành Chủ tịch Hạ viện vào tháng 1, ông McCarthy đã phải “xuống nước” với một nhóm cánh hữu có đường lối cứng rắn.
Ông đồng ý rằng mọi nhà lập pháp đều có thể yêu cầu cách chức ông vào bất kỳ thời điểm nào. Điều này khiến quyền lực của ông McCarthy yếu hơn những người tiền nhiệm, kể cả trong việc đàm phán trần nợ công.
Cuộc tranh luận về trần nợ mang đến cơ hội lớn cho phe bảo thủ trước thềm cuộc bầu cử năm 2024. Họ có thể tô vẽ Đảng Dân chủ là những người chi tiêu lãng phí, khơi mào lạm phát.
Họ có thể cần một vụ việc kịch tích để đánh động cử tri, vì chỉ có 3% người Mỹ coi nợ liên bang hoặc thâm hụt ngân sách là vấn đề cấp bách nhất của quốc gia trong cuộc thăm dò hồi tháng 2 của Gallup. Tỷ lệ này vào năm 2011 là 17%.
Ngược lại, Đảng Dân chủ có thể cáo buộc phe Cộng hoà cố tình chơi trò thách đấu, mạo hiểm uy tín tín dụng của quốc gia để củng cố quyền lực của mình, theo Bloomberg.
Ông Jack Malvey, cố vấn đặc biệt tại Trung tâm Ổn định Tài chính, cho biết trong trường hợp xấu nhất khi chính phủ Mỹ vỡ nợ, “gánh nặng với nền kinh tế sẽ mất nhiều năm mới biết mất”.
Thị trường có thể cần phải rơi vào hỗn loạn thì Quốc hội mới chịu can thiệp. Đó chính là những gì từng xảy trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cuối tháng 9 năm đó, Hạ viện Mỹ đã từ chối kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỷ USD, để rồi vài ngày sau phải chấp nhận thông qua phiên bản chỉ sửa đổi đôi chút sau khi thị trường tài chính lao dốc.
Link nội dung: https://biztoday.vn/my-vo-no-la-rui-ro-ma-pho-wall-khong-dam-nghi-den-477581.html