Trong vụ việc Công an Tp.HCM vừa phối hợp Bộ Công an kiểm tra, khám xét nhiều chi nhánh của CTCP F88 tại Tp.HCM, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 7/3, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc F88 cho biết, F88 cam kết có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp nhân viên thực hiện không đúng quy trình của công ty, không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Dấu hỏi tuân thủ pháp luật
Xét về mặt pháp lý, ông Tuấn khẳng định F88 là doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả hoạt động được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật.
Về phía dư luận, nhiều người không khỏi bất ngờ quanh chuyện khám xét này. Bởi hồi tuần trước, F88 còn tổ chức lễ công bố huy động thành công 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với 2 nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Trong khi đó, giới truyền thông không quên nhắc lại việc hồi tháng 2 năm nay, nhiều điểm kinh doanh cầm đồ F88 ở Tp. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã bị công an tỉnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động cho vay cầm cố tài sản. Công an đã xác định các điểm cầm đồ của F88 ở Tp.Thanh Hóa yêu cầu khách hàng nộp thêm hàng loạt khoản phí, khiến tổng số tiền mà khách hàng phải trả rất cao.
Nhân chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công an và công an các địa phương nên điều tra thêm nhiều công ty cho vay tài chính có hành vi thu phí dịch vụ cao, thu lợi bất chính và dùng biện pháp mạnh khi thu hồi nợ theo kiểu “khủng bố tinh thần” dẫn đến vi phạm pháp luật, gây bất ổn xã hội.
Đặc biệt là tình trạng rất nhiều người trở thành nạn nhân trong các vụ vay tiền từ một số công ty cho vay tài chính hoặc là những công ty hoạt động kiểu “tín dụng đen” giả mạo các công ty tài chính được cấp phép.
Trong đó, có những nạn nhân được phía công ty cho vay tài chính giải ngân rất nhanh, chỉ khoảng 30 phút là có tiền vào tài khoản nhưng tiền nhận được đều ít hơn tiền đăng ký vay với lý do trừ tiền lãi trước. Sau khi “chốt” gốc, lãi, nếu làm phép tính sẽ cho ra mức lãi suất lên đến 300 - 400%/tháng.
Giới chuyên gia cho rằng, việc chấn chỉnh tình hình hoạt động của các công ty cho vay tài chính cần mạnh tay hơn nữa nhằm chặt đứt việc những công ty này với tư duy “đánh bạc”, muốn “làm giàu nhanh chóng”, là cánh tay nối dài của “tín dụng đen”.
Nhất là tình trạng một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty Fintech (công nghệ tài chính), cho vay online (trực tuyến), các app (ứng dụng) cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng) tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm với công ty tài chính được cấp phép, dẫn đến hoạt động sai pháp luật.
Bài học tiếp tay “tín dụng đen”
Xét về phương diện lãi suất, có những công ty cho vay tài chính áp lãi suất quá cao khi có nhiều vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ. Mặt khác, một số công ty cho vay tài chính khi phát triển chuỗi chi nhánh quá nhanh, phình rộng ra cả nước cũng khó tránh việc quản lý thiếu chặt chẽ, dễ dẫn đến sai phạm của chi nhánh.
Như trường hợp chi nhánh F88 ở Thanh Hóa, tuy lãi suất cầm cố và cho vay đều nằm trong hạn mức quy định, nhưng khi làm thủ tục cho vay, những cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm hàng loạt khoản phí như: Thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), quản lý tài sản cầm cố (2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo… Việc đặt ra các khoản phí như vậy khiến tổng số tiền mà khách hàng phải trả rất cao.
Không những thế, dù tính phí quản lý tài sản cầm cố, các điểm kinh doanh F88 ở Tp.Thanh Hóa lại không lưu giữ tài sản cầm cố tại kho bãi bảo quản đã đăng ký với cơ quan công an, mà xây dựng các điều khoản cho khách hàng thuê, mượn lại (có tính phí) đối với chính tài sản đã cầm cố.
Trên thực tế, có thể thấy, trước xu hướng phát triển mạnh của thị trường cho vay tài chính vi mô như hiện nay thì một xu thế đang hình thành là nhà đầu tư rót vốn thẳng vào hệ sinh thái của các DN chủ chốt, chiếm thị phần trên thị trường thay vì đầu tư vào DN mới.
Đáng lưu ý, ở góc độ của một nhà đầu tư rót vốn vào một công ty cho vay tài chính vi mô có thị phần lớn như F88, ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc Đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) cho biết: “Nhà đầu tư rất quan tâm tới các vấn đề về môi trường và xã hội, mục tiêu đầu tư là cung cấp nguồn vốn tăng trưởng cho các công ty tạo ra tác động tích cực cho kinh tế xã hội và môi trường đối với cộng đồng”.
Cho nên, từ vụ việc khám xét chi nhánh F88 ở Tp.HCM và những vi phạm trước đó của hệ thống cho vay này ở Thanh Hóa, để tránh sự thất vọng cho giới đầu tư trong và ngoài nước thì đòi hỏi F88 cần xem lại để sửa mình nhằm khôi phục niềm tin.
Đây cũng là bài học cho các công ty cho vay tài chính cần tuân thủ pháp luật, để không rơi vào “vết xe đổ” như một số công ty đã và đang bị lực lượng công an “sờ gáy” vì tiếp tay cho “tín dụng đen” hoành hành.
Hơn thế nữa, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, thu hồi nợ của các công ty tài chính, thì một khung pháp lý hoặc định hướng pháp lý rõ ràng hơn là điều mà các công ty cho vay tài chính và các khách hàng đều cần trong lúc này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cong-ty-cho-vay-tai-chinh-can-tranh-vet-xe-do-477699.html