Theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới công bố, các ngân hàng tại Mỹ đã vay khoảng 152,85 tỷ USD từ chương trình cho vay chiết khấu, một công cụ hỗ trợ thanh khoản truyền thống của ngân hàng trung ương, trong tuần kết thúc vào ngày 15/3.
Tuần trước, con số đi vay chỉ là 4,58 tỷ USD. Mức cao nhất từng ghi nhận trước đó là 111 tỷ USD, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Dữ liệu cũng cho thấy các ngân hàng đã vay thêm 11,9 tỷ USD từ chương trình hỗ trợ khẩn cấp có tên Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) mà Fed triển khai từ ngày 12/3, sau khi Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ.
Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, SVB đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ bị sụp đổ, chỉ sau vụ việc của Washington Mutual năm 2008. Chưa đầy 18 tháng trước, SVB từng được định giá hơn 44 tỷ USD.
Nhìn chung, việc các nhà băng vay tổng cộng 164,8 tỷ USD cho thấy hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn còn rất mong manh. Họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị rút tiền gửi sau vụ đóng cửa của SVB và Signature.
Theo Bloomberg, trước các sự kiện gây sốc gần đây, bảng cân đối kế toán của Fed đã thu hẹp đáng kể kể từ sau khi ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu thắt chặt định lượng vào tháng 6 năm ngoái.
Song, các khoản cho vay khẩn cấp vừa qua đã đảo ngược khoảng một nửa mức thu hẹp của bảng cân đối kế toán của Fed. Và số dư dự trữ của Fed đã tăng khoảng 440 tỷ USD trong một tuần.
Các nhà phân tích tại Capital Economics đánh giá, những diễn biến trên “về cơ bản đã đảo ngược mọi nỗ lực thắt chặt định lượng của Fed”.
Ông Michael Gapen, trưởng bộ phận phân tích kinh tế Mỹ của Bank of America, cho hay: “Các sự việc gần đây diễn ra đúng như dự đoán của chúng tôi”.
Theo ông Gapen, việc các ngân hàng vay vốn từ cơ sở cho vay truyền thống của Fed nhiều hơn BTFP cho thấy họ có thể dễ dàng thế chấp tài sản tại chương trình truyền thống hơn.
Ở diễn biến khác, chiều ngày 16/3, 11 ngân hàng lớn tại Mỹ đã đồng ý gửi 30 tỷ USD vào First Republic để ổn định nhà băng đang gặp khó khăn này. Nỗ lực này là do chính phủ Mỹ điều phối.
11 ngân hàng này đều nằm trong danh sách 15 nhà băng có tổng tài sản lớn nhất nước Mỹ tính đến ngày 31/12/2022. Bản thân First Republic - ngân hàng được giải cứu - có tổng tài sản gần 213 tỷ USD và xếp thứ 14, theo số liệu của Fed.
Bộ Tài chính Mỹ và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã can thiệp và thực hiện các động thái bất thường vào cuối tuần qua để bảo vệ tất cả người gửi tiền tại SVB và Signature. Thông thường, người gửi tiền chỉ được bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi loại tài khoản.
Fed cũng thực hiện một bước đi gây bất ngờ để trấn an ngành ngân hàng. Ngân hàng trung ương Mỹ đảm bảo các nhà băng sẽ có đủ thanh khoản để đáp ứng mọi nhu cầu tiền gửi.
Chương trình BTFP mới được Fed lập ra sẽ cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, liên minh tín dụng và các định chế khác được vay với kỳ hạn cao nhất một năm, giúp giảm căng thẳng về thanh khoản.
Những tổ chức vay từ chương trình này của Fed sẽ phải có các tài sản chất lượng cao như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu do cơ quan liên bang phát hành và chứng khoán đảm bảo để làm tài sản thế chấp.
Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase ước tính chương trình BTFP có thể bơm tối đa khoảng 2.000 tỷ USD thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Nhà băng lớn nhất nước Mỹ cũng đưa ra một ước tính thấp hơn là khoảng 460 tỷ USD, dựa trên số tiền gửi không được bảo hiểm tại 6 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không đảm bảo trên tổng tiền gửi cao nhất.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cac-ngan-hang-vay-fed-gan-165-ty-usd-de-xoay-xo-thanh-khoan-481836.html