Nhà thầu cao tốc đứng ngồi không yên vì mặt bằng “xôi đỗ”

Sau gần 3 tháng, việc tổ chức thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vẫn gặp thách thức lớn bởi tình trạng mặt bằng bàn giao không liên tục.

Chậm giải ngân, phát sinh chi phí vì tắc đường công vụ

Khoảng một tuần trở lại đây, liên tiếp các văn bản đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký gửi UBND các tỉnh, thành có dự án đi qua.

thi-cong-cao-toc-1679363751.jpg Thi công cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau qua địa phận huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thanh Mong

 

Lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt lo lắng đến tiến độ triển khai các gói thầu khi báo cáo của các chủ đầu tư, các đơn vị thi công, thực tế phạm vi mặt bằng nhà thầu có thể thi công còn hạn chế.

Điển hình, đối với các dự án thành phần qua tỉnh Quảng Bình (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) tính đến ngày 10/3/2023, mặt bằng có thể tổ chức thi công chỉ đạt khoảng 53,77/124,23km, tương đương 43,28%.

Công tác GPMB muốn đạt được hiệu quả cao nhất, bên cạnh sự minh bạch, công bằng trong phương án đền bù, công tác tái định cư là yếu tố then chốt.
Quá trình di dời các hộ dân, công tác tái định cư không phải chỉ quan tâm đến nơi ở mà còn phải chú trọng đến khả năng sinh kế đối với người dân, phải đánh giá thấu đáo xem khả năng tìm việc/kinh doanh, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân khi họ chuyển đến khu vực mới thay vì việc chỉ nhanh chóng khoanh cho người ta một mảnh đất mới, diện tích gấp nhiều lần nơi ở cũ.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN

 

Đảm nhận thi công gói thầu XL2 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, trên tổng số gần 25km chiều dài tuyến, tính đến nay, liên danh nhà thầu nhận được 66% diện tích mặt bằng.

Tuy nhiên, mặt bằng được bàn giao “xôi đỗ”, vướng nhiều công trình hạ tầng, chưa thi công được liên tục.

“Thực tế đến nay, nhà thầu mới đủ công địa triển khai 6 mũi thi công đường và triển khai thi công đồng bộ được cầu Sông Gianh. Các cầu còn lại đang vướng mặt bằng và đường tiếp cận nên triển khai còn chậm”, ông Nhận nói.

Mặt bằng bàn giao không liên tục cũng đang cản trở lớn đến tiến độ triển khai hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã được địa phương bàn giao được 33,68/37,65km tuyến cao tốc và 2,3/2,3km tuyến nối; dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau được bàn giao 64,8/73,2km tuyến cao tốc và 6,5/16,6km tuyến nối.

Mặc dù vậy, trên diện tích mặt bằng được giao, công tác thi công của nhà thầu chỉ tổ chức được trên 22,5/33,68km tuyến cao tốc 2,3/2,3km tuyến nối trên đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và 45,8/73,2km tuyến chính, 6,5/16,6km tuyến nối trên đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Các vị trí mặt bằng còn lại còn vướng một số hộ chưa di dời nhà cửa, vật kiến trúc đang chờ bố trí nền tái định cư hoặc chưa thống nhất về đơn giá đền bù. Mặt bằng “xôi đỗ” kéo dài từ đầu tuyến đến cuối tuyến khiến công tác vận chuyển, tập kết vật liệu, thiết bị gặp rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cũng không khỏi sốt ruột khi mặt bằng vướng, tiến độ thi công chậm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân của các dự án.

Theo kế hoạch, sản lượng giải ngân yêu cầu trong tháng 3/2023 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang khoảng 100 tỷ đồng, thực tế sản lượng đến nay chỉ đạt khoảng gần 8,6 tỷ đồng. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau kế hoạch giải ngân khoảng 150 tỷ đồng, thực tế sản lượng đến nay chỉ khoảng 24 tỷ đồng.

Tương tự, tại dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, trong tổng số gần 33km qua địa phận tỉnh Quảng Bình, diện tích mặt bằng bàn giao đạt gần 20km (đạt 60%) nhưng chỉ có hơn 10,3km mặt bằng sạch. Chiều dài mặt bằng được bàn giao không liên tục 22 đoạn, đoạn dài nhất 1,5km, đoạn ngắn nhất 150m. Đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 32,5km đã bàn giao hơn 20km, song chỉ có khoảng 15,3km là mặt bằng sạch.

Nâng mức hỗ trợ tạm cư, khuyến khích di dời sớm

thi-cong-cao-toc-2-1679363953.jpg Thi công gói thầu XL2 cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh Ảnh: Nam Khánh

Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện nút thắt công tác GPMB phụ thuộc rất nhiều về công tác xây dựng các khu tái định cư (TĐC).

Trong đó, đối với 13,05km còn lại tỉnh Quảng Bình chưa bàn giao cho dự án Vạn Ninh - Cam Lộ, có đến 5,9km đất liên quan các hộ dân vào khu tái định cư. Đối với 12,32km còn lại trên địa phận tỉnh Quảng Trị chưa bàn giao, có khoảng 6,77km đất liên quan các hộ dân vào khu TĐC.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu cơ quan liên quan hoàn thành bước thiết kế bản vẽ thi công và lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công xây dựng các khu TĐC ngay trong tháng 3/2023.

Sau khi san gạt mặt bằng tổ chức bốc thăm, công tác bàn giao mặt bằng cho người dân để xây dựng nhà ở, xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước, trường trạm cũng sẽ được tiến hành đồng thời.

Tại tỉnh Hậu Giang, đại diện UBND tỉnh cho biết, phục vụ thi công dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, địa phương đã đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại 4 huyện có dự án đi qua với tổng diện tích hơn 13ha, kinh phí hơn 264 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6/2023, công tác giao đất tái định cư cho người dân sẽ hoàn thành.

Khó khăn lớn nhất trong công tác GPMB là trên địa bàn có 450 hộ bị ảnh hưởng phải tái định cư với khoảng 650 nền.

Địa phương đã tập trung vận động người dân nhận tiền thuê nhà tạm cư, di dời và bàn giao mặt bằng trước khi được giao đất tái định cư. Đến nay, khoảng 270 hộ đã tháo dỡ, di dời nhà, giao mặt bằng, khoảng 45 hộ khác đã thống nhất sẽ di dời nhưng thời gian xây dựng nhà tạm khoảng sau 30 ngày.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện có dự án đi qua rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số chính sách bồi thường, hỗ trợ cho phù hợp điều kiện thực tế.

Trong đó, xem xét nâng mức hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư cho người dân trong thời gian chờ xây dựng xong các khu tái định cư. Mục tiêu của địa phương là hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 5/2023, sớm hơn 1 tháng so với yêu cầu.

Đẩy nhanh chi trả đền bù

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án, thời gian qua, đơn vị này đã tham mưu Bộ GTVT đề nghị các địa phương đối với các khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng mắc chưa thể thi công cần đẩy nhanh việc chi trả, đền bù; tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến nay, diện tích bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đạt gần 568/721,25km (đạt 78,7%). Tuy nhiên, diện tích mặt bằng có thể triển khai thi công được chỉ đạt hơn 391km (đạt 54,2%).

Đồng thời, xem xét bố trí tạm cư cho các hộ dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư; thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công; ưu tiên GPMB đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹp, “xôi đỗ” để các nhà thầu có mặt bằng, đủ công địa thi công trong tháng 3/2023.

“Riêng đối với các vị trí chưa bàn giao mặt bằng, Bộ GTVT đã đề nghị trong tháng 3/2023, địa phương cần ưu tiên thực hiện GPMB các vị trí đường tiếp cận công trường, đường công vụ, các vị trí nền đường đào để điều phối vật liệu đắp nền đường, công trình cầu, các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu.

Trong khi chưa hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, cần có phương án bố trí tạm cư để các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nha-thau-cao-toc-dung-ngoi-khong-yen-vi-mat-bang-xoi-do-483894.html