Chứng khoán Mỹ “nín thở” đợi báo cáo lạm phát, giá dầu tăng tăng 2%

“Số liệu công bố trong tuần này có ý nghĩa quan trọng vì sẽ là lô dữ liệu cuối cùng trước khi Fed tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ voà ngày 3/5"...

chung-khoan-my-1681263614.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (11/4), trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng chờ các báo cáo lạm phát được công bố trong tuần này. Giá dầu thô tăng khoảng 2% khi thị trường kỳ vọng số liệu lạm phát mới sẽ giảm bớt khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - giảm 0,004%, còn 4.108,94 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 98,27 điểm, tương đương tăng 0,29%, đạt 33.684,79 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,43%, còn 12.031,88 điểm.

Những nhóm cổ phiếu có mức độ liên hệ cao với chu kỳ kinh tế đã khởi sắc trong phiên này, trong khi cổ phiếu công nghệ tỏ ra đuối sức. Nhóm năng lượng trở thành trụ cột của S&P 500, chốt phiên với mức tăng khoảng 0,9%. Nhóm công nghệ giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính, với mức giảm 1%.

Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 vào ngày thứ Tư, tiếp đó là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm. Hai số liệu này có thể đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về lạm phát ở Mỹ, từ đó định hình rõ hơn triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

“Số liệu công bố trong tuần này có ý nghĩa quan trọng vì sẽ là lô dữ liệu cuối cùng trước khi Fed tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ voà ngày 3/5. Và trong lúc Fed đánh giá cuộc chiến chống lạm phát để tìm ra tốc độ phù hợp cho chính sách tiền tệ, các điều kiện trên thị trường lại bắt đầu nghiêng về khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5”, chuyên gia William Northey của US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.

“Loạt dữ liệu này chắc chắn sẽ giúp Fed xác định được họ đã đi đến đâu trong cuộc chiến chống lạm phát”, ông Northey nói thêm.

Ngoài ra, thị trường còn đang chờ những báo cáo đầu tiên trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023. Bộ ba ngân hàng lớn JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup sẽ công bố báo cáo vào ngày thứ Sáu, và đây là những dữ liệu đầu tiên về tình trạng sức khoẻ của các nhà băng Mỹ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,73 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, chốt ở 85,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,74 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, đạt 81,48 USD/thùng.

Các nhà đầu tư dầu lửa dường như lạc quan hơn rằng Fed đang tiến gần tới kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

“Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trong ngắn hạn sẽ sớm trở nên rõ ràng hơn. Tuần này, chúng ta sẽ biết được nền kinh tế Mỹ đang trượt dần vào suy thoái hay rơi tõm vào suy thoái”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nói với hãng tin Reuters.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy lạm phát tháng 3 ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu còn yếu trong một nền kinh tế phục hồi không đều.

“CPI tháng 3 của Trung Quốc yếu hơn dự báo. Điều này có thể thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu kinh tế”, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định.

Giá dầu đã tăng khoảng 7% kể từ khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga vào tuần trước bất ngờ tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu từ tháng 5.

Theo dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng khai thác dầu thô thực tế của OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm nay, sau đó tăng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của các nước ngoài OPEC được dự báo tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tăng 1 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-nin-tho-doi-bao-cao-lam-phat-gia-dau-tang-tang-2-495223.html